CEO Văn Đinh Hồng Vũ: 'Elsa không thắng nhờ hên'

14/08/2022 07:01

Bí quyết đổi mới đi từ nhu cầu khách hàng và xây dựng gene toàn cầu cho Elsa từ khi khởi nghiệp được CEO Văn Đinh Hồng Vũ chia sẻ tại talkshow The Next Power.

Xuất hiện tại talkshow The Next Power sau khi mới gọi vốn thành công thêm 16 triệu USD, CEO Elsa - Văn Đinh Hồng Vũ đã cùng hai người dẫn của chương trình là ông Lê Trí Thông và bà Trương Lý Hoàng Phi thảo luận nhiều khía cạnh của quá trình đổi mới trong một startup khởi điểm tại Việt Nam và vươn ra toàn cầu.

'Cấy gene' toàn cầu cho doanh nghiệp

Nhận định việc gọi vốn được 16 triệu USD không phải là một thành công, CEO Văn Đinh Hồng Vũ cho rằng đó chỉ là một tiền đề để công ty đi được những chặng đường mới. Với số tiền này, công ty tập trung vào ba mũi nhọn chính. Thứ nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo sâu hơn vào sản phẩm, thứ hai là đổi mới mô hình kinh doanh, hướng khách hàng tiếp cận phong trào học tiếng Anh trực tuyến và thứ ba là đưa sản phẩm đến với nhóm khách hàng doanh nghiệp.

Nhiều thị trường mới như châu Mỹ, Brazil cũng được tăng cường nguồn lực để phát triển mạnh mẽ. Vị CEO cho biết, để quản lý được đội ngũ nhân sự làm việc tại nhiều quốc gia khác nhau và thâm nhập thành công các thị trường mới, ngay từ khi mới thành lập, tầm nhìn của công ty là phải đưa sản phẩm tới tay một tỷ người dùng trên toàn cầu. "Khi văn hóa của mình bắt đầu ở một công ty toàn cầu, mọi người lúc nào cũng sẵn sàng cho các thị trường mới", Văn Đinh Hồng Vũ nhấn mạnh.

CEO Elsa - Văn Đinh Hồng Vũ trò chuyện tại talkshow The Next Power

CEO Elsa - Văn Đinh Hồng Vũ trò chuyện tại talkshow The Next Power.

Một trong các kỹ thuật giúp Elsa học từ thành công, thất bại cũ để thực hiện các bước đi mới là "over documenting" (viết càng nhiều càng tốt). Cụ thể, theo Văn Đinh Hồng Vũ: "Sau một lần tung sản phẩm, trong vòng 2 tuần sau đó, đội ngũ sẽ dành ra nửa ngày kiểm tra lại những quy trình tốt và không tốt. Dành ra khoảng 10% viết lại bài học kinh nghiệm". Nhờ đó, vấn đề được phát hiện ngay trong thời gian triển khai sản phẩm, thị trường sau sẽ không vấp phải sai lầm của thị trường trước đó.

"Elsa không thắng nhờ hên, chúng tôi phải hiểu xem mình đánh được vào nhu cầu nào của khách hàng, những khách hàng nào mình mất, phải hiểu được họ. Khi đánh vào một thị trường mới, toàn bộ thông tin này được đưa cho một bạn mới đọc, bạn đó sẽ học được rất nhiều", vị CEO nhấn mạnh

Host của chương trình, ông Lê Trí Thông nhận định: "Đây là một điểm rất đặc biệt. Những công ty tăng trưởng nhanh, mọi người phải cố đu kịp theo sự tăng trưởng, trong khi thời gian để nhìn nhận lại vấn đề rất hiếm. Chiến lược này tạo ra một văn hóa học và mở đường cho những người sau. Không biết người sau sẽ sử dụng như thế nào nhưng chúng ta có tài liệu để truyền lại cho cái thế hệ nhân viên kế cận".

Chiến lược mở rộng 'cấy gene quốc tế từ khi khởi nghiệp' của Elsa
 
 

Công thức cho sự đổi mới

Là công ty phát triển ứng dụng học tiếng Anh dựa trên nền tảng công nghệ nhưng với CEO của Elsa, công nghệ chỉ là công cụ cho sự phát triển. Công thức đổi mới của Elsa đến từ hai phía, một bên là những sáng tạo đổi mới nhất, một bên là nhu cầu trực tiếp từ thị trường.

Trách nhiệm của đội ngũ làm kỹ thuật và sản phẩm của công ty là phải luôn tìm tòi những cái mới, những điều thị trường chưa có để đưa vào sản phẩm, dịch vụ của công ty. Song song với đó, Văn Đinh Hồng Vũ cho biết cô không bị đóng khung bởi công nghệ, ồ ạt ứng dụng và cho ra các tính năng mới của sản phẩm. Mỗi bước đổi của doanh nghiệp đều đến từ câu hỏi "Khách hàng có cần gì hay không" hay "Với nhu cầu như vậy có những giải pháp nào và giải pháp của mình sử dụng cái gì"

"Tôi nghĩ đổi mới phải đến từ rất nhiều thứ, nên mỗi ngày luôn tự hỏi 'để giải quyết được vấn đề đó thì có bao nhiêu cách'. Đôi khi công nghệ là câu trả lời, đôi khi không. Đổi mới sẽ đến từ nhiều khía cạnh, từ cách mình tuyển người, cách mình giữ người, cách mình kiểm tra sản phẩm có tốt hay không, cách mình biết khi nào sản phẩm tốt hay không tốt, phải sửa", vị CEO nhận định.

Tại Elsa, cứ hai tuần sẽ có một chức năng mới được triển khai, nếu như trước đây, ứng dụng tập trung giúp mọi người nói tiếng Anh đúng, giờ đây mục tiêu được phát triển thành có thể vừa nói đúng, vừa nói hay và đủ nội dung. Đây là bước thay đổi sẽ được doanh nghiệp tập trung trong 3 năm tới.

Xuất phát từ nhu cầu và phản ánh của người dùng cho rằng "học tiếng Anh giống như đi tập gym, đầu năm có mục tiêu phải giảm cân, giữa năm chán, cuối năm thấy tội lỗi, năm sau đặt mục tiêu lại". Elsa đang phát triển chức năng học cộng đồng (social learning) khoảng 3 người để giúp nhau, giữ trách nhiệm, tạo động lực học tập. Đây là cách để doanh nghiệp thay đổi phương pháp dạy dựa trên những xu thế và nhu cầu mới của khách hàng.

Nguồn nhân lực cũng là điều Elsa luôn chú trọng. Với mô hình mở rộng ở nhiều quốc gia, công ty tìm kiếm những ứng viên có tầm nhìn toàn cầu, linh hoạt làm việc giữa các múi giờ. "Chúng tôi tìm kiếm những người hiểu và thích sứ mệnh của công ty, đó là cách đi đường dài nhất, tuyển được ứng viên tài năng còn khó hơn đi gọi vốn. Được một người giỏi chấp nhận làm với mình là một may mắn", Hồng Vũ nói.

Chia sẻ về những rủi ro có thể gặp, Văn Đinh Hồng Vũ cho biết: "Trong 3 năm tới, một rủi ro được ban quản trị nêu ra là sự đe doạ từ sự phát triển của công nghệ dịch thuật, ngồi với nhau họ có thể nói thông qua công cụ dịch tiếng Anh, đến lúc đó việc học tiếng Anh liệu có còn quan trọng hay không, nếu công ty không phát triển và thay đổi kịp có thể sẽ bị đứng lại phía sau".

Tuy vậy, Elsa đang nỗ lực mỗi ngày để làm mới sản phẩm, kế hoạch phát triển cho ba năm tới được xem xét lại mỗi ba tháng dưới góc nhìn thay đổi của thị trường. Công ty không chạy theo các vòng gọi vốn, tăng doanh thu nhanh mà hướng đến sự tăng trưởng thực chất đến từ chất lượng. "Sản phẩm chính của mình không giải quyết được vấn đề của khách hàng thì sự tăng trưởng đó sẽ rất ngắn hạn, theo xu hướng, đó không phải là một sự tăng trưởng bền vững", vị CEO cho biết.

Văn Đinh Hồng Vũ chia sẻ, quá trình phát triển cùng Elsa khiến cô sống khiêm tốn hơn và khẳng định bản thân vẫn đang ở giai đoạn đầu và còn nhiều điều cần học. Host của chương trình, ông Lê Trí Thông nhận định: "Càng sáng tạo, phát triển, chúng ta cần thấy mình nhỏ bé và khiêm tốn, để có thể đi tiếp với tốc độ cao hơn. Chân thật với chính mình, chân thật với giá trị mà mình đặt ra ngay từ đầu giúp tránh được cái bẫy của hào quang, của việc quá sáng tạo. Đó là điều tưởng chừng đơn đơn giản, nhưng rất khó để thực hành".

Thảo Miên