"Có thuốc mời thầu rất nhiều lần nhưng các nhà thầu không tham dự"

25/03/2023 20:02

Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Dũng – Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung Thuốc quốc gia về vấn đề đấu thầu thuốc và cung ứng thuốc.

Họp thẩm định 3 loại thuốc

NĐT: Bộ Y tế vừa ban hành thông tư 06/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 15/2019/TT-BYT về việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Xin ông cho biết, hiện nay việc đấu thầu với Bộ Y tế trong một số loại thuốc đang được thực hiện như thế nào? Theo dự kiến bao lâu chúng ta sẽ có được lượng thuốc đảm bảo để cung ứng cho các cơ sở y tế?

Ông Lê Thanh Dũng: Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định, đồng thời đã rất chủ động để trình và hoàn thiện các văn bản. Trong đó, có thông tư số 06 sửa đổi, bổ sung thông tư số 15/2019.

Hiện nay, tại Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, kể cả khi chưa sửa thông tư chúng tôi vẫn triển khai các bước của các quy trình đấu thầu tập trung cấp Quốc gia cũng như đàm phán giá. Tất cả quy trình này Trung tâm vẫn triển khai và hoàn thiện.

Năm 2022 chúng tôi đã công bố các gói thầu tập trung cấp Quốc gia và đàm phán giá. Hiện nay, các thuốc cuối cùng của đàm phán giá chúng tôi đã trình và Bộ Y tế đã họp thẩm định về 3 loại thuốc cuối cùng của đàm phán giá.

Hiện nay, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia chúng tôi đang mời thầu, đến ngày 27/3 này chúng tôi sẽ mở thầu gói ARV là gói thuốc điều trị cho người nhiễm HIV.

Song song với đó chúng tôi đã tiếp tục trình Bộ Y tế kế hoạch lựa chọn nhà thầu đợt 2 và đợt 3 của các thuốc tiếp theo. Về đàm phán giá, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch tiếp tục đàm phán giá.

Liên quan đến các quy trình, thủ tục từ lúc chưa sửa đến lúc sửa thông tư, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia với tất cả những gì có trong tay từ nhân lực, các văn bản, quy định đều được triển khai, đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu điều trị cho người bệnh.

Sự kiện - 'Có thuốc mời thầu rất nhiều lần nhưng các nhà thầu không tham dự'

Ông Lê Thanh Dũng trao đổi với PV liên quan đến việc đấu thầu thuốc (Ảnh: Hoàng Bích).

NĐT: Có rất nhiều loại thuốc chưa được cấp phép hoặc chưa được cấp phép lại. Vậy, trong quá trình đấu thầu, chúng ta có gặp phải những vướng mắc gì không? Với quy định bỏ 3 báo giá cũng có thể tham gia đấu thầu, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, cũng như các cơ sở y tế trong việc đấu thầu thuốc?

Ông Lê Thanh Dũng: Liên quan đến các thuốc chưa được cấp phép hoặc chưa được cấp phép lại Trung tâm có quy trình rất chặt chẽ. Từ việc rà soát, lập kế hoạch, tổng hợp từ nhu cầu, từ bệnh viện, cho đến qua Hội đồng điều trị bệnh viện. Sau đó, Sở y tế các tỉnh, thành phố sẽ tổng hợp nhu cầu và chuyển về Trung tâm. Trung tâm có các phòng nghiệp vụ lại tiếp tục rà soát và tổng hợp nhu cầu, sau đó mới tiến hành mời thầu.

Trên hồ sơ mời thầu bao gồm các tiêu chí, tiêu chuẩn, đối với các nhà thầu đấu thầu Quốc gia về cơ bản gần như không có nhiều vướng mắc. Còn vướng mắc về số đăng ký thì các Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội đã gỡ vấn đề này.

Một số thuốc qua quá trình đấu thầu tính đến thời điểm này còn một số khó khăn trong quá trình cung ứng chúng tôi đã mời các nhà thầu đến, có biên bản cam kết (con số này không nhiều, chỉ chiếm 3% của tổng gói thầu).

Sự kiện - 'Có thuốc mời thầu rất nhiều lần nhưng các nhà thầu không tham dự' (Hình 2).

Một số nguyên nhân chậm cung ứng thuốc (Ảnh minh họa).

Liên quan đến chậm trễ này do chính sách Zero-Covid ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ… dẫn đến ảnh hưởng nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất, quá tải và đứt gãy chuỗi cung ứng nên kế hoạch sản xuất từ nhà sản xuất bị thay đổi.

Do ảnh hưởng bởi lạm phát và biến động địa chính trị tại Châu Âu, làm ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu và giá thành sản xuất cũng như kế hoạch sản xuất thuốc. Do đó, sau khi trúng thầu, nhà thầu phải tiến hành thương lượng lại với nhà cung cấp về giá và tiến độ cung cấp.

Hiện nay, chúng tôi đã mời 3 nhà thầu có cả một số hiệu thuốc lên để làm việc và làm rõ vấn đề này. Và cam kết trong thời gian sớm nhất sẽ cung ứng trở lại sau khi các thuốc này được hoàn thiện các thủ tục cập cảng Việt Nam.

Mong đàm phán trực tiếp với nhà sản xuất

NĐT: Trong quá trình mời thầu, Trung tâm Mua sắm tập trung Thuốc quốc gia có gặp phải khó khăn gì? Có trường hợp nào không có thuốc hoặc chỉ có một đơn vị tham gia đấu thầu hay không, thưa ông?

Ông Lê Thanh Dũng: Hiện, đấu thầu Quốc gia có đấu thầu các mặt hàng theo quy định của pháp luật, cũng có những mặt hàng độc quyền, có những mặt hàng chỉ có duy nhất một nhà sản xuất, một nhà cung ứng. Đây cũng là một trong những trở ngại mà chúng tôi mời thầu.

Những quy định từ việc dự trù cũng như giá kế hoạch cũng ảnh hưởng đến quá trình chúng tôi mời thầu. Trong quá trình mời thầu, cũng có thuốc chúng tôi đã mời thầu rất nhiều lần nhưng các nhà thầu không tham dự. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang trình các giải pháp để gỡ.

Trong thời gian sớm nhất chúng tôi hy vọng cơ quan chức năng sẽ có phương án gỡ vấn đề khi các loại thuốc vào chỉ có một nhà thầu, chỉ có một hãng sản xuất (Tức là thuốc chỉ có một nhà sản xuất duy nhất trên thế giới).

Sự kiện - 'Có thuốc mời thầu rất nhiều lần nhưng các nhà thầu không tham dự' (Hình 3).

Trở ngại trong quá trình mời thầu là có những mặt hàng chỉ có duy nhất một nhà sản xuất (Ảnh minh họa).

NĐT: Thưa ông, vậy thông tư 06 có gỡ được những vấn đề về thuốc độc quyền hay không?

Ông Lê Thanh Dũng: Trở lại thuốc độc quyền, bởi vì nó là độc quyền, chỉ có một nhà sản xuất. Vì thế, đã độc quyền khi vào đấu thầu thì lại thành độc quyền. Vì không có lựa chọn thứ hai.

Vấn đề này, chúng tôi hy vọng trong quá trình sửa đổi Luật Dược, cũng như các văn bản Dược chúng ta có thể được đàm phán trực tiếp với nhà sản xuất, với các hãng để làm sao giảm bớt các khâu trung gian.

NĐT: Vậy trong quá trình chờ đợi này, các thuốc hiếm có mặt trong bệnh viện là chưa giải quyết được?

Ông Lê Thanh Dũng: Tất cả những thuốc nào đấu thầu qua Trung tâm thì hiện nay đã cung cấp đến 97%. Còn 3% là bị gián đoạn nguồn cung.

Các nhà thầu đã cam kết, trong thời gian sớm nhất sẽ cung cấp trở lại vì họ đã làm việc với các bên và tiến hành sản xuất trong tháng 2.

Còn các thuốc khác, thẩm quyền đấu thầu địa phương hay thẩm quyền cơ sở cũng vậy. Các cơ sở khám chữa bệnh cũng như UBND tỉnh, địa phương phải chủ động chỉ đạo và triển khai thực hiện các gói thầu này để đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân.

NĐT: Xin cảm ơn ông!

Không để thiếu thuốc cho nhu cầu khám, chữa bệnh

Về giải pháp cung ứng thuốc, tại cuộc cung cấp thông tin y tế Quý I năm 2023 ngày 24/3, Bộ Y tế cũng thông tin:

Bộ Y tế đã đề nghị các nhà thầu trúng thầu: Khẩn trưởng rà soát, làm việc với nhà cung cấp đẩy nhanh tiến độ cung ứng các mặt hàng trúng thầu và cam kết đảm bảo cung ứng mặt hàng trúng thầu;

Báo cáo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia về số lượng tồn kho và tình hình sản xuất, cung ứng các mặt hàng trúng thầu;

Có trách nhiệm cung ứng thuốc thay thế cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng nếu có yêu cầu, không để thiếu thuốc cho nhu cầu khám, chữa bệnh của cơ sở y tế.

Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan cập nhật liên tục danh sách các nhà sản xuất, nhà thầu cung ứng thuốc đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và uy tín để phục vụ cho công tác lựa chọn nhà thầu.

Đồng thời, giao Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia thường xuyên kiểm tra, giám sát vi phạm của nhà thầu và báo cáo vi phạm nhà thầu gửi cấp có thẩm quyền giải quyết.