Đại biểu lo thiệt hại kinh tế khi lãng phí nguồn năng lượng tái tạo

01/06/2023 17:00

Nhiều nhà máy điện tái tạo hoàn thành xây dựng, song việc đầu tư vào truyền tải không đáp ứng thực tế, do đó EVN phải cắt giảm công suất phát điện các nhà máy này.

Chiều 1/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tham gia góp ý về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) nói về tình trạng lãng phí năng lượng tái tạo và những khó khăn của những doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Đại biểu cho biết, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị xác định rất rõ, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa nguồn năng lượng hóa thạch, sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời cho phát điện. Đây là định hướng chiến lược cho một giai đoạn phát triển.

Trước khi có Nghị quyết này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng có nhiều văn bản có tính đột phá về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho phát triển điện gió, điện mặt trời như Quyết định số 11 năm 2017, Quyết định số 37 năm 2011.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, gần đây trong các văn bản điều hành, cơ quan chức năng có sự thay đổi đột ngột về mặt chính sách, nhất là các quy định về khung giá điện, nhà máy phát điện, nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp trong thời gian gần đây không những không khuyến khích, ưu đãi, các dự án điện gió, điện mặt trời như Nghị quyết 55.

Trong đó, có không ít các quy định còn thắt chặt so với các dự án điện truyền thống, chứa nhiều quy định chưa thật sự hợp lý và tập trung ở 3 văn bản chính là Thông tư 01, Thông tư 15 và Nghị quyết 21 của Bộ Công Thương.

Kinh tế vĩ mô - Đại biểu lo thiệt hại kinh tế khi lãng phí nguồn năng lượng tái tạo

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Ảnh: Quochoi.vn).

Chỉ rõ 6 bất cập chính trong 3 văn bản này, vị đại biểu cho hay, thứ nhất là các văn bản này bãi bỏ thời hạn áp dụng giá mua điện trong thời hạn 20 năm, điều này dẫn đến hệ quả là khung giá mua điện áp dụng trong thời gian ngắn thì các tổ chức tài chính sẽ không tính hiệu quả của dự án và như vậy sẽ không tài trợ cho các dự án điện gió.

Thứ hai là các văn bản trên đã bãi bỏ điều khoản chuyển đổi tiền mua điện sang USD. Đại biểu cho rằng, việc này làm cho các nhà đầu tư không lường trước được rủi ro và không an tâm trong đầu tư phát triển dự án, vì hầu hết các thiết bị mua đều nhập từ nước ngoài.

Thứ ba, các văn bản trên thì đã bãi bỏ điều khoản về bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện gió nối lưới với giá mua điện tại thời điểm giao nhận sau Quyết định 39.

“Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời sẽ không còn được hưởng ưu tiên trong việc huy động công suất như trước đây nữa. Từ đó, khả năng cắt giảm công suất thường xuyên với dự án điện gió, điện mặt trời rất cao”, ông Hiển nói.

Bất cập thứ tư, theo ông Hiển, khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tại Quyết định 21 đã không phản ánh đúng về mối tương quan trong việc tính toán phương án điện hàng năm.

Theo quyết định số 02/2023 của Thủ tướng Chính phủ thì mức giá bán điện lẻ bình quân tối thiểu là 220,03 đồng/kWh và giá bán lẻ bình quân tối đa là 537,67 đồng/kWh.

Trong khi đó, giá trần cao nhất cho các nhà máy phát điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp lại thấp hơn từ 21 đến 29% so với cơ chế giá cố định được quy định tại Quyết định 13 và Quyết định 39. “Đây là mâu thuẫn nghịch lý về cơ chế chính sách quản lý, điều tiết và xây dựng khung giá đầu vào và đầu ra cho ngành điện lực”, ông chỉ ra.

Kinh tế vĩ mô - Đại biểu lo thiệt hại kinh tế khi lãng phí nguồn năng lượng tái tạo (Hình 2).

Việc lãng phí nguồn điện tái tạo trong khi đang thiếu điện được ĐBQH đề cập khi thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thứ 5, nhiều nhà máy điện mặt trời, điện gió lớn hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành điện, tuy nhiên việc đầu tư vào truyền tải điện không đáp ứng được thực tế, dẫn đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cắt giảm công suất phát điện của các nhà máy này, gây lãng phí tài nguyên, đặc biệt gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này.

Thứ 6, đại biểu chỉ ra một số quy định trong Quyết định 21, Thông tư 01 của Bộ Công Thương không thống nhất, mâu thuẫn với văn bản cấp trên. Cụ thể, Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ có quy định về trách nhiệm mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới, giá điện đối với các dự án điện mặt trời nối lưới…

Hệ quả của các quy định trên là một lượng lớn điện không được khai thác, đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn tài nguyên năng lượng nói chung và đẩy nhà đầu tư điện lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Ước tính là từ thời điểm trễ hẹn, giá FIT này đến thời điểm hiện nay có trên 4.600 MW từ các dự án trên không được khai thác, đưa vào sử dụng.

Từ các nội dung trên, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cần xem xét lại chính sách nêu trên theo hướng việc điều chỉnh chính sách phải có phương án giảm sốc, có lộ trình hợp lý, tránh việc thay đổi chính sách một cách quá đột ngột…

Bên cạnh đó, cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tránh thất thoát, lãng phí nguồn năng lượng tái tạo lớn đã được sản xuất nhưng không được đưa vào khai thác, sử dụng; có giải pháp đồng bộ, kịp thời, bảo đảm sự phát triển bền vững cho ngành năng lượng tái tạo.