Đây là cách mà FPT Retail làm nếu không được đồng ý giảm tiền thuê mặt bằng

07/01/2022 12:30

Trong dịch bệnh, FPT Retail cũng phải đóng cửa 50% lượng cửa hàng theo yêu cầu của cơ quan chức năng, tuy nhiên, tiền lương nhân viên và tiền thuê mặt bằng vẫn phải trả.

Trong CafeTalk số thứ 4 – Làm dâu trăm họ, ông Ngô Quốc Bảo – Giám đốc Trải nghiệm khách hàng và Marketing (CXMO) FPT Retail đã có nhiều chia sẻ liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.

Cụ thể, theo chia sẻ của ông Bảo, mặc dù năm 2021 chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của FPT Retail cho kết quả khá khả quan.

Sau 9 tháng, doanh thu lũy kế của công ty đạt 14.018 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với năm trước. Riêng về mảng dược phẩm Long Châu, doanh thu đạt 2.529 tỷ, gấp 3 lần so với cùng kỳ, lợi nhuận hợp nhất 137 tỷ, gấp xấp xỉ 8 lần so với cùng kỳ.

Đến tháng 9/2021, công ty đạt 85% kế hoạch doanh thu và 114% lợi nhuận đạt. Đến tháng 11 thì hoàn thành 100% kế hoạch năm. Hiện công ty có 700 FPT Shop và 400 cửa hàng dược phẩm Long Châu trên toàn quốc.

Đây là cách mà FPT Retail làm nếu không được đồng ý giảm tiền thuê mặt bằng - Ảnh 1.

Ông Ngô Quốc Bảo

Trong dịch bệnh, FPT Retail cũng phải đóng cửa 50% lượng cửa hàng theo yêu cầu của cơ quan chức năng, tuy nhiên, tiền lương nhân viên và tiền thuê mặt bằng vẫn phải trả. Trước tình huống này, việc thương lượng với chủ nhà, chủ mặt bằng giảm giá tiền thuê mặt bằng đã được đơn vị này tính đến.

"FPT Retail thường tìm cách trao đổi – thương lượng – tìm giải pháp hỗ trợ từ phía chủ nhà, trên tinh thần thông cảm lẫn nhau. FPT Retail xác định: chủ nhà là một stakeholder quan trọng cho bất kỳ một mô hình kinh doanh nào – đặc biệt là trong mảng bán lẻ. Chúng tôi thỏa thuận và tìm sự thông cảm. Rất nhiều chủ nhà đồng ý giảm giá – tất nhiên mức giảm khác nhau, có người giảm ít và có người giảm nhiều.

Mức giảm là tùy vào mặt bằng và chủ nhà. Ví dụ như: có điểm chúng tôi vẫn mở cửa bình thường và số vẫn tăng, nếu xét riêng điểm đấy thì vẫn kinh doanh được; nhưng nếu xét toàn quốc thì công ty vẫn giảm doanh thu và chịu nhiều thiệt hại; FPT Retail vẫn xin nhờ chủ nhà hỗ trợ. Tất nhiên, những chỗ kinh doanh được, chủ nhà giảm ít hơn, còn những chỗ không kinh doanh được, chủ nhà giảm rất là nhiều.

Thậm chí, có chủ nhà có tháng không lấy tiền, bởi anh chị rất thấu hiểu sự khó khăn của chúng tôi. Thành ra, chuyện giảm giá mặt bằng của các chủ nhà bên FPT Retail không có công thức chung. Do đó, chúng tôi cũng không có yêu cầu các Giám đốc vùng phải đi nói chuyện với các chủ nhà cùng 1 công thức chung, vì mỗi một chủ nhà – mỗi một mặt bằng có đặc điểm khác nhau", ông Bảo chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp chủ mặt bằng không đồng ý giảm tiền thuê mặt bằng. Trong tình huống này, theo ông Bảo, sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Một là phải xem xét mặt bằng này còn kinh doanh tiếp được hay không. Hai là nếu kinh doanh nữa thì liệu mình có thể trang trải được chi phí từng đó hay không.

"Đối với bất kỳ chuỗi bán lẻ nào, nếu chi phí cao hơn doanh thu ở 1 điểm, thì phải cân nhắc đóng cửa hàng đó và chuyển sang địa điểm khác. May mắn là trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua – ngay cả trong đỉnh dịch, FPT Retail chưa từng phải đóng cửa bất cứ mặt bằng nào vì lý do chủ nhà", ông bộc bạch.

Ông Bảo cũng nhấn mạnh thêm, nếu trường hợp chủ nhà không giảm giá nhưng cửa hàng trước đó doanh thu rất tốt thì FPT Retail sẽ cân nhắc việc tiếp tục kinh doanh.

Theo Pha Lê

Doanh nghiệp & Tiếp thị