Kỳ vọng cung tiền tăng trở lại trong năm 2023

27/01/2023 20:02

Giới chuyên môn dự báo cung tiền và vòng quay đồng tiền trong năm 2023 sẽ tốt hơn năm 2022.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 21/12/2022 tăng 3,85% so với cuối năm 2021. Con số trên chưa bằng một nửa mức tăng trưởng cùng thời điểm năm 2021 (8,31%). Đây cũng là mức tăng trưởng cung tiền chậm nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Cung tiền tăng chậm được giới chuyên môn đánh giá là một trong những nguyên nhân chính khiến thanh khoản của nhiều doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng, lãi suất bật tăng mạnh vào cuối quý III và đầu quý IV.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, cung tiền trong năm 2022 tăng trưởng thấp bởi nhiều lý do.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thận trọng trong việc kiểm soát lạm phát, có lúc bán ngoại tệ và hút tiền về. Trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các kênh dẫn vốn khác bị tắc, cùng với việc giải ngân đầu tư công còn chậm, dẫn tới việc ách tắc vốn.

Đồng thời, vòng quay tiền trong năm vừa qua bị chậm lại, lý do chính là tồn kho (cả trong lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực khác) tăng mạnh khiến tiền bị đọng lại. Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nên họ lưỡng lự, tạm thời găm tiền để đó.

“Trong năm 2023, nếu như các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế được tháo gỡ, đặc biệt là đầu tư công được đẩy mạnh, niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp được khôi phục trở lại thì đương nhiên, vòng quay của tiền sẽ nhanh hơn và lượng cung tiền sẽ nhiều hơn. Người dân cũng gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn. Dự báo lượng cung tiền và vòng quay đồng tiền trong năm 2023 sẽ tốt hơn năm 2022”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), việc NHNN bán ra lượng lớn USD (ước tính khoảng 25 tỷ USD) khiến tốc độ tăng trưởng cung tiền M2 trong năm 2022 thấp kỷ lục đạt 4%, kết hợp với vòng quay tiền ở mức thấp khoảng 0,7 vòng vào cuối năm 2022 (ở Mỹ vòng quay tiền M2 đạt từ 1,7 – 2,1 vòng/năm), cho thấy chính sách tiền tệ không gây áp lực lên lạm phát

Nhóm phân tích đánh giá, NHNN sẽ có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn trong năm 2023, với kịch bản cơ sở lạm phát bình quân được kiểm soát tốt quanh 4 - 4,5% như nhận định ở trên, với áp lực từ lạm phát toàn cầu và tỷ giá trong nước được dự báo bớt căng thẳng hơn so với năm 2022, khi việc đứt gãy chuỗi cung ứng dần được cải thiện và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm giúp giá hàng hóa hạ nhiệt, trong khi Fed được dự báo sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào cuối quý I.

KBSV cho biết, các yếu tố được sẽ góp phần cải thiện cung tiền, giúp hỗ trợ thanh khoản tiền VND hệ thống trong năm 2023 bao gồm: (1) NHNN thực hiện lại nghiệp vụ mua USD, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ thặng dư thương mại, kiều hối và FDI, vay nợ ròng nước ngoài, qua đó giúp tăng dự trữ ngoại hối và bơm 1 lượng tiền VND vào hệ thống các ngân hàng; (2) Kỳ vọng giải ngân đầu tư công đạt trên 80% kế hoạch năm; và (3)Tăng trưởng tín dụng ở mức cao khi nhu cầu vay vốn là luôn hiện hữu dù mặt bằng lãi suất đã ở mức tương đối cao ngay cả so với thời điểm trước dịch, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường TPDN đang gặp nhiều khó khăn sau vụ việc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát và Nghị định 65 mới được ban hành cuối tháng 9 khiến áp lực kênh dẫn vốn của hệ thống ngân hàng càng tăng thêm.

Trên cơ sở đó, KBSV kỳ vọng cung tiền tăng trở lại trong năm 2023, ở mức 13% – một phần do nền thấp của năm 2022.

Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt cũng kỳ vọng tốc độ tăng trưởng cung tiền sẽ tốt hơn trong năm 2023 nhờ vào (1) Giải ngân đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, (2) Lạm phát toàn cầu hạ nhiệt và chính sách bớt diều hâu của Fed với mục tiêu lãi suất sẽ tạo dư địa để NHNN vận hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn theo hướng ổn định vĩ mô và hỗ trợ kinh tế tăng trưởng, (3) NHNN mua vào ngoại tệ bổ sung cho dự trữ ngoại hối vốn đã sụt giảm nhanh chóng trong năm 2022, gián tiếp cung tiền đồng ra thị trường.

Bạn đang đọc bài viết "Kỳ vọng cung tiền tăng trở lại trong năm 2023" tại chuyên mục Tài chính.