Chủ tịch Searefico (SRF) nói về nợ khó đòi với Descon sau 5 năm mở thủ tục phá sản theo đơn kiện: "Chủ đầu tư đã có cam kết trả nợ"

Tính đến cuối năm 2022, tổng nợ khó đòi tại Descon là 135,5 tỷ đồng, SRF đã trích lập gần hết với 109 tỷ đồng.

Ghi nhận tại ĐHĐCĐ Searefico (SRF) mới đây, cổ đông có đặt vấn đề liên quan đến phần dự phòng nợ đối với Descon là 84 tỷ đồng. Theo cổ đông, khoản mục này là trọng yếu làm năm 2022 báo lỗ, vậy phương án thu hồi công nợ như thế nào?

Tổng nợ khó đòi tại Descon là 135,5 tỷ đồng, đã trích lập gần hết với 109 tỷ đồng

Trả lời, Chủ tịch HĐQT Lê Tấn Phước cho biết: “ Từ 2 năm qua, Công ty đã tích cực thu hồi khoản nợ này, chủ đầu tư đã có cam kết để trả nợ. Tuy nhiên trải qua thời gian khá dài nhưng chủ đầu tư không thực hiện, nên Công ty đã kiện ra tòa để thu hồi nợ. Công ty đang cân nhắc các hướng đi để đòi nợ thành công vì Descon vẫn còn nợ với nhiều bên. Nếu thu hồi được sẽ góp phần vào lợi nhuận trong các năm tới ”.

Tính đến cuối năm 2022, tổng nợ khó đòi tại Descon là 135,5 tỷ đồng, SRF đã trích lập gần hết với 109 tỷ đồng.

Desco được biết đến là doanh nghiệp hoạt động lâu năm và từng vang tiếng trong lĩnh vực xây dựng. Công ty lên niêm yết vào cuối năm 2007 và từng khá "nổi tiếng" khi trở thành mục tiêu thâu tóm của nhóm cổ đông liên quan đến ông Trịnh Thanh Huy và Bình Thiên An.

Lúc bấy giờ, sức hấp dẫn của Descon không chỉ dừng lại ở thương hiệu, mà còn một loạt công trình và dự án Công ty đang triển khai. Trong đó, riêng Dự án PRECHE (quận 2, Tp.HCM) đã có giá thị trường khoảng 25-30 triệu USD, xấp xỉ vốn hóa Công ty thời điểm bấy giờ.

Giai đoạn 2010-2011, sau khi về tay chủ mới, cổ phiếu DCC của Descon đột ngột bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin, cũng kể từ đó thông tin về Descon gần như bặt tăm trên thị trường.

Bẵng một thời gian, đến năm 2018, SRF công bố thông tin Tòa án nhân dân Tp.HCM đã có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Descon theo đơn kiện của một nhà cung cấp là Siam City Cement Ltd. Câu chuyện Descon một lần nữa được quan tâm.

Năm đó, Searefico cho biết có hợp đồng thi công cùng Descon với tư cách là Nhà thầu phụ tại các dự án mà Descon đang thực hiện với vai trò Nhà thầu chính, do đó Searefico đã gởi thông báo các khoản nợ của Descon tới TAND Tp.HCM để thu hồi nợ, giảm thiểu thiệt hại.

Và việc Toà án mở thủ tục phá sản đối với Descon là để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ và thực tế chưa ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh của Công ty. Việc chậm thanh toán của Descon đã kéo dài khá lâu và một số khoản nợ đã được trích dự phòng từ những năm trước. Đối với Searefico, Descon có khoản phải trả ngắn hạn 23,6 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2017.

Chuyển 1.800 tỷ doanh số từ hợp đồng đang đấu thầu , 2023 dự có lãi trở lại với 32 tỷ đồng

Đại hội vừa qua của SRF cũng đã thông qua mục tiêu có lãi trở lại trong năm 2023. Cụ thể, Công ty dự kiến doanh số ký hợp đồng năm nay đạt 1.350 tỷ, tương ứng doanh thu thực hiện 1.700 tỷ, lần lượt tăng hơn 45% và 43% so với kết quả năm 2022.

Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế ước thu về 32 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 5%/mệnh giá. Trong trường hợp vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế riêng, quỹ khen thưởng cán bộ nhân viên và quỹ khen thưởng HĐQT được cộng thêm lần lượt là 20% và 10% lợi nhuận sau thuế riêng.

Năm 2022, Công ty đạt 930 tỷ đồng doanh thu. Không chỉ kinh doanh gặp khó, thực hiện trích lập dự phòng khiến SRF lỗ sau thuế hơn 141 tỷ đồng. Theo đó, Công ty quyết định không chia cổ tức năm 2022.

Nhận định về thị trường, SRF cho biết ngành bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, bất ổn trong năm 2022. Chính sách tiền tệ thắt chặt, áp lực lạm phát và thanh toán nợ trái phiếu đến hạn làm các kênh huy động vốn của chủ đầu tư bị nghẽn, ảnh hưởng đến việc tiếp tục triển khai dự án và thanh toán cho nhà thầu… Bên cạnh đó, SRF tập trung xử lý tồn đọng của các năm trước, đánh giá xử lý hàng tồn kho, đánh giá lại các khoản phải thu thông qua việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định nên đây là năm đầu tiên trong hơn 26 năm hoạt động, Công ty báo cáo lỗ.

Sang năm 2023, Công ty dự kiến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty vẫn được duy trì liên tục, nhờ vào doanh số hợp đồng chuyển thực hiện trong năm 2023 lớn và thông tin tốt từ dự án nhà máy trong các khu công nghiệp, dự án kho thông minh và logistic.

Tổng Giám đốc Vũ Xuân Thức cho biết thêm: “Trên cơ sở chuyển 1.800 tỷ đồng doanh số từ hợp đồng đang đấu thầu từ năm 2022 sang 2023, Công ty sẽ rà soát, cam kết để đạt doanh số 1.700 tỷ đồng như kế hoạch đề ra”.

“Công ty đang thỏa thuận với 2 đối tác từ phía Nhật Bản, 1 đối tác Mỹ và 4 đối tác từ Châu Âu”

Tại Đại hội, SRF cũng trình ĐHĐCĐ thông qua việc miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với ông Nishi Masayuki kể từ thời điểm kết thúc vào ngày 31/3/2023. Thay vào đó, Công ty sẽ trình cổ đông xem xét thông qua bầu bổ sung ông Yoshihiko Shiotsugu làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ năm 2023-2027.

Chia sẻ về đối tác chiên lược, HĐQT cho biết đang nỗ lực tìm kiếm do thị trường tài chính quốc tế và trong nước còn nhiều biến động khó lường, Công ty sẽ báo cáo kết quả tìm kiếm cổ đông chiến lược trong thời gian tới.

Chủ tịch HĐQT Lê Tấn Phước bổ sung: “Hiện Công ty đang thỏa thuận với 2 đối tác từ phía Nhật Bản, 1 đối tác Mỹ và 4 đối tác từ Châu Âu. Các đối tác này đã cử người đến Công ty tại Việt Nam để bàn luận. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, điểm rơi chưa phù hợp nên tiến trình thỏa thuận còn kéo dài vì đối tác có sự thận trọng nhất định”.

Link nội dung: https://www.bizfinance.vn/chu-tich-searefico-srf-noi-ve-no-kho-doi-voi-descon-sau-5-nam-mo-thu-tuc-pha-san-theo-don-kien-chu-dau-tu-da-co-cam-ket-tra-no-a63952.html