Doanh nghiệp bất động sản đặt mục tiêu tăng trưởng, chuyên gia khuyến nghị ‘nên cẩn trọng’

Bất chấp thị trường địa ốc khó khăn, một số doanh nghiệp vẫn đặt mục tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Phần lớn các công ty này đều lên kế hoạch ghi nhận doanh thu từ việc kinh doanh các sản phẩm, dự án đã có sẵn.

Doanh nghiệp bất động sản đặt mục tiêu tăng trưởng, chuyên gia khuyến nghị ‘nên cẩn trọng’ - Ảnh 1.

Một góc dự án Nam An Khánh của Sudico. Ảnh: Lâm Tùng

Theo dữ liệu của FiinPro , tính đến ngày 29/3, trong mảng bất động sản có 5 doanh nghiệp là CTCP Đầu tư phát triển đô thị và công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã SJS), Địa ốc First Real (mã FIR), Nhà Đất Việt (mã PVL), Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc (mã IDV), Tập đoàn TNT (mã TNT) đã công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2023. Trong số các doanh nghiệp này, Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc là doanh nghiệp duy nhất không đặt mục tiêu tăng trưởng.

Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc là doanh nghiệp thuộc mảng bất động sản khu công nghiệp. Năm 2023, doanh nghiệp này trình cổ đông một bản kế hoạch thận trọng. Cụ thể, công ty đặt mục tiêu doanh thu năm nay 200-220 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 110-130 tỷ đồng. Kế hoạch này thấp hơn so với kết quả đạt được năm 2022 (223 tỷ đồng doanh thu và 140 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế).

Sudico, TNT ‘mạnh dạn’ lên kế hoạch tăng trưởng nóng

Sudico lên kế hoạch doanh thu 1.145 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng, lần lượt tăng 100% và 82% so với kết quả đạt được năm 2022. Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, việc Sudico đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh được nhiều cổ đông đặt câu hỏi tại ĐHĐCĐ vừa diễn ra.

Theo lãnh đạo Sudico, năm nay công ty dự kiến ghi nhận doanh thu từ các dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh, dự án khu nhà ở Văn La - Văn Khê, Khu dân cư Bắc đường Trần Hưng Đạo phần mở rộng. Cả 3 dự án này đều là những dự án lâu năm của Sudico.

TNT cũng đề ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 379 tỷ đồng của năm 2022 lên 1.050 tỷ đồng trong năm 2023 - tương đương mức tăng 2,8 lần. Lợi nhuận sau thuế được kỳ vọng là 60 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần so với kết quả đạt được năm 2022. Doanh nghiệp không thông tin chi tiết về cơ sở của kế hoạch này.

First Real và Đầu tư Nhà Đất Việt dù đặt mục tiêu tăng trưởng nhưng dè dặt hơn.

Địa ốc First Real lên kế hoạch tăng trưởng doanh thu 30% so với kết quả đạt được năm 2022, lên 500 tỷ đồng (năm tài chính của First Real kết thúc vào ngày 30/9). Lợi nhuận sau thuế, theo kế hoạch, là 120 tỷ đồng, tăng 5% so với kết quả năm 2022.

Cổ đông công ty cũng đã chất vấn lãnh đạo First Real về cơ sở của kế hoạch này tại ĐHĐCĐ vừa qua. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, cho biết First Real đang có nhiều sản phẩm đã đầy đủ cơ sở pháp lý và sẵn sàng tung ra thị trường.

“Chỉ cần thị trường ổn định cho tín hiệu tốt, chúng tôi sẽ tung ra các sản phẩm tồn kho. Lượng tồn kho sẵn sàng cho việc kinh doanh, dự kiến mang về doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng trong năm nay và 2024” , chủ tịch First Real nói.

Kết quả kinh doanh quý I niên độ tài chính 2022 - 2023 của First Real không khả quan như những gì lãnh đạo doanh nghiệp tuyên bố. Báo cáo của First Real cho thấy sau ba tháng đầu niên độ tài chính (từ 1/10 đến 31/12/2022), công ty mới chỉ hoàn thành 5% kế hoạch đề ra.

Tại ngày 31/12/2022, giá trị hàng tồn kho của First Real là 357 tỷ đồng, trong đó phần lớn nằm ở nhóm hàng hóa (các lô đất nền thuộc các dự án đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất), nhiều nhất tại dự án Khu dân cư An Phú.

Đầu tư Nhà Đất Việt đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 5 và 1,2 tỷ đồng. Kế hoạch này cao hơn so với kết quả đạt được năm 2022 khi doanh thu đạt 2,8 tỷ đồng và lợi nhuận vỏn vẹn 58 triệu đồng. Trước đó, năm 2022, công ty đã đề ra kế hoạch 30 tỷ đồng doanh thu và 2,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế nhưng chỉ hoàn thành 9% kế hoạch doanh thu và 2% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Doanh nghiệp bất động sản đặt mục tiêu tăng trưởng, chuyên gia khuyến nghị ‘nên cẩn trọng’ - Ảnh 2.

2023 được dự báo là một năm khó khăn với bất động sản.

Thận trọng với hoạt động kinh doanh năm 2023

Điểm chung của hầu hết các công ty đặt kế hoạch tăng trưởng trong năm nay là cùng dựa trên nền tảng hàng tồn kho, thậm chí hàng tồn kho ở dạng mới hoàn thiện giải phóng mặt bằng hoặc xây móng…

Trong khi đó, 2023 là năm được dự báo có nhiều thách thức cho bất động sản khi tín dụng tiếp tục bị kiểm soát chặt chẽ, tâm lý nhà đầu tư và người dùng nói chưa chưa tốt.

Ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Capital nhìn nhận việc giải phóng hàng tồn kho của doanh nghiệp địa ốc, đặc biệt là dạng hàng tồn kho chưa xây dựng, trong năm nay sẽ không dễ dàng, nguyên nhân là tín dụng sẽ ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội, các dự án có khả năng sớm hoàn thiện.

Kể cả khi doanh nghiệp có sẵn tiền để triển khai và hoàn thiện dự án, việc bất động sản có thanh khoản ở thời điểm này cũng không dễ.

“Giai đoạn này người mua có xu hướng chững lại để quan sát tình hình nhiều hơn là mạo hiểm xuống tiền. Ở kịch bản tươi sáng nhất, cũng phải chờ đến cuối năm thị mới ấm lên”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản nói.

Báo Lao Động dẫn lời ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao GIBC, cho biết, trong quá trình tư vấn cho các doanh nghiệp bất động sản, có không ít doanh nghiệp chọn hướng đi thận trọng trong năm 2023.

Đây là giải pháp kỹ thuật để tồn tại, phù hợp với tình hình thực tế khi quá trình sàng lọc thị trường trở nên bức thiết trong ngắn và trung hạn.

“Sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản sẽ trở thành tâm điểm chú ý của nhà đầu tư khi nhất cử nhất động của họ đều có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Chẳng hạn, chỉ cần một doanh nghiệp địa ốc lớn hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán xuất hiện dấu hiệu kinh doanh sa sút hay mất thanh khoản cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường”, ông Nghĩa nói.

Do đó, ông Nghĩa đánh giá, việc co cụm của các doanh nghiệp có mặt tích cực là chặn đứng chu kỳ đầu tư kinh doanh bùng nổ một cách dễ dãi, mở ra chu kỳ đầu tư kinh doanh an toàn, hướng đến sự phát triển bền vững hơn.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM Lê Hoàng Châu cũng nhận định, việc trở nên cẩn trọng hơn trong đầu tư, phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp địa ốc thời điểm này là hợp lý.

Khi thị trường vẫn còn nhiều thách thức hiện tại, các doanh nghiệp cần chờ động thái, chính sách điều hành cụ thể, rõ ràng hơn từ phía Nhà nước và bản thân doanh nghiệp cũng cần cơ cấu lại để đảm bảo sức khỏe cho chính mình.

Trước đó, năm 2022, tình hình khó khăn của thị trường địa ốc đã khiến phần lớn doanh nghiệp địa ốc không hoàn thành kế hoạch đề ra. Theo dữ liệu của FiinPro, có 83 trên tổng số 103 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch doanh thu của năm và 89 doanh nghiệp không hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận.

Link nội dung: https://www.bizfinance.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-dat-muc-tieu-tang-truong-chuyen-gia-khuyen-nghi-nen-can-trong-a63970.html