Tăng cường cấp mã số cho trái sầu riêng để xuất khẩu

02/06/2023 20:30

VOV.VN - Hiện nay, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đang tăng cường xét duyệt hồ sơ, hướng dẫn nhà vườn, các hợp tác xã và doanh nghiệp để được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho trái cây.

Đặc biệt là ưu tiên cho diện tích cây sầu riêng để tạo điều kiện cho mặt hàng nông sản chủ lực này xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc.

Sầu riêng là một trong 11 loại cây ăn trái đặc sản của tỉnh Tiền Giang với diện tích lớn nhất, gần 20.000 ha. Trong số này, có gần 12.500 ha vườn cây đang cho trái, sản lượng thu hoạch đạt 355.000 tấn/năm, thị trường tiêu thụ của trái sầu riêng chủ yếu là qua Trung Quốc. Từ tháng 7/2022, trái sầu riêng của Việt Nam được xuất chính ngạch qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc là điều kiện tốt, mở ra hướng đi rất triển vọng cho loại trái cây này.

Tăng cường cấp mã số cho trái sầu riêng để xuất khẩu - Ảnh 1.

Doanh nghiệp thu mua trái sầu riêng của nhà vườn để tuyển chọn đưa đi xuất khẩu.

Tuy nhiên, vấn đề là trái sầu riêng xuất khẩu sang thị trường này phải có chất lượng cao và được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã tích cực phối hợp các nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp trồng và kinh doanh trái sầu riêng thực hiện đạt các điều kiện để cấp mã số.  Vì trước đây trái sầu riêng ở địa phương mới được cấp 02 Mã số vùng trồng với diện tích 93 ha.

Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang đã và đang  tiếp nhận xử lý thêm 204 hồ sơ đăng ký mã số vùng trổng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tổng diện tích vườn gần 8.900 ha; trong đó có 66 mã số được phía Trung Quốc chấp thuận với diện tích khoảng 2.400 ha. Đồng thời, tiếp nhận xử lý thêm 83 hồ sơ đăng ký cơ sở đóng gói xuất khẩu trái cây.

Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết, phấn đấu đến năm 2025 cấp mã số cho 100% vườn cây sầu riêng.

“Năm nay đối với trái sầu riêng mình đã cấp mã số và hồ sơ gần hoàn chỉnh gần 9.000 ha, còn khoảng hơn 5.000 ha nữa. Phía Trung Quốc đã đồng ý khoảng 2.400ha, còn hồ sơ gửi cho Cục Bảo vệ thược vật và sẽ gửi quan Trung Quốc. Mình cũng đang nhân hồ sơ cấp khoảng 8.000ha, nếu không cấp hết cũng đạt 70%, phấn đấu đến năm 2025 phải cấp xong” - ông Võ Văn Men nói./.