TS. Lê Xuân Nghĩa: Phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là phát hành "đẳng cấp thấp"

02/10/2022 08:02

TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, quản trị một tập đoàn lớn mà chỉ dựa vào phát hành trái phiếu riêng lẻ để “sống” là một sai lầm, đẳng cấp của doanh nghiệp trên thị trường sẽ thấp dần đi, cả về uy tín lẫn chiến lược quản trị.

Phát hành trái phiếu riêng lẻ: Rủi ro rất cao so với phát hành ra công chúng

Ngày 30/9, tại đối thoại chuyên đề: “Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là phát hành "đẳng cấp thấp".

Ông nhấn mạnh, quản trị một tập đoàn lớn mà chỉ dựa vào phát hành trái phiếu riêng lẻ để “sống” là một sai lầm, đẳng cấp của doanh nghiệp trên thị trường sẽ thấp dần đi, cả về uy tín lẫn chiến lược quản trị.

Xét đến cấu trúc rủi ro, TS. Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm việc phát hành trái phiếu riêng lẻ rủi ro cao hơn rất nhiều so với phát hành trái phiếu ra công chúng. Chỉ những nhà đầu tư có khả năng chịu đựng rủi ro cao mới có thể đầu tư.

"Chúng ta dùng từ 'nhà đầu tư chuyên nghiệp' khiến cho việc phát hành trái phiếu riêng lẻ trở nên cao cấp hơn, như một đẳng cấp cao hơn so với phát hành ra công chúng. Đó là một nghĩa rất dở của từ này” - ông Nghĩa nêu quan điểm.

TS. Lê Xuân Nghĩa: Phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là phát hành đẳng cấp thấp - Ảnh 1.

Hơn nữa, khu vực phát hành ra công chúng mới là nơi xếp tín nhiệm phát huy được hiệu lực, qua đó tạo tiền đề để xây dựng thị trường thứ cấp. "Nếu trái phiếu doanh nghiệp chỉ phát triển ở khía cạnh phát hành mà chưa phát triển thị trường thứ cấp thì không phải là công cụ vốn dài hạn tốt" - TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết.

Ông mong muốn thu hẹp khu vực phát hành trái phiếu riêng lẻ, chuyển hẳn sang khu vực phát hành sang công chúng, khi đó tổ chức phát hành có thể huy động vốn dễ dàng hơn và được giám sát chặt chẽ hơn.

Theo ông Nghĩa, hiện nay một số tập đoàn lớn phát hành riêng lẻ nhưng họ thực sự có khả năng ra quốc tế, tuy nhiên họ cảm thấy khó khăn khi phát hành riêng lẻ ở Việt Nam lãi suất cao, phát hành ra quốc tế lãi suất cũng cao bởi họ “chưa đủ đẳng cấp để phát hành ra công chúng ở Việt Nam”. Trong khi đó, khi doanh nghiệp nộp hồ sơ phát hành ra công chúng ở Việt Nam thì sẽ mất hoàn toàn cơ hội kinh doanh.

Ông Nghĩa cho biết thêm, do có quá nhiều hồ sơ doanh nghiệp nộp lên, UBCKNN phải mất ít nhất 6 tháng đến khoảng 1 năm để xử lý 1 bộ hồ sơ phát hành trái phiếu ra công chúng. Do đó, nếu chỉ dừng lại ở việc ra đời Nghị định 65/2022/NĐ-CP mà không xử lý thủ tục phát hành trái phiếu ra công chúng thì không chỉ tạo ra ách tắc của bộ phận trong thị trường này mà còn ách tắc thị trường kia.

TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: "Vấn đề này cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc cùng những quy định, hành động thực sự”.

Không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện phát hành ra công chúng

Cũng góp mặt tại buổi đối thoại, ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho rằng cấu trúc thị trường vốn nói chung thiết kế nhiều kênh để doanh nghiệp huy động vốn, không chỉ mỗi kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ. Mỗi một sản phẩm đều có một vai trò riêng nhưng không thể thay thế được tất cả vai trò của cả thị trường.

Trái phiếu doanh nghiệp bao gồm trái phiếu phát hành ra công chúng và trái phiếu riêng lẻ, tính chất sản phẩm phục vụ cho đối tượng tham gia khác nhau, không thể "đánh đồng". "Đã phát hành trái phiếu riêng lẻ thì phải dành cho đối tượng tham gia nhà đầu tư chuyên nghiệp, mức độ công bố thông tin, vận hành của thị trường phải khác với phát hành ra công chúng" - ông cho biết.

Theo ông Quỳnh, không nên nói rằng "cổ vũ" phát hành ra công chúng, vì không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng phát hành theo kênh này. Khi không đạt chuẩn để phát hành ra công chúng, doanh nghiệp phải chọn phương thức phát hành riêng lẻ và sẽ khó khăn hơn với mức độ rủi ro cao hơn, không thể bán cho tất cả đối tượng nhà đầu tư mà chỉ tập trung vào nhà đầu tư chuyên nghiệp.

"Phải xác định rõ kiến trúc tổng thể của thị trường tài chính, sản phẩm nào, công cụ nào đi với đối tượng nhà đầu tư nào để không ngăn cản sự phát triển của thị trường. Chúng ta phải luôn mở cho doanh nghiệp con đường để huy động vốn và tìm đúng đối tượng nhà đầu tư phù hợp, giúp nguồn vốn trong nền kinh tế luân chuyển một cách hiệu quả, đúng với khẩu vị rủi ro của các bên tham gia" - ông Đỗ Ngọc Quỳnh phân tích.

Về phía mình, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, Nghị định 65 không áp đặt thêm các điều kiện mới với phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chỉ tăng cường các điều kiện về công bố thông tin, giúp mọi việc được minh bạch hơn. Tuy vậy, để đáp ứng các yêu cầu mới, doanh nghiệp phát hành phải triển khai thêm một số công việc, tăng thêm chi phí để phát hành. Nhưng đây là điều cần thiết để xây dựng một thị trường trái phiếu minh bạch hơn.

"Với các quy định như vậy, những doanh nghiệp nào đã công bố thông tin một cách minh bạch vẫn có thể tiếp tục phát hành trái phiếu để huy động được, nhất là đối với những doanh nghiệp có những dự án tốt, có sức khỏe tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh tốt. Một số doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể coi trái phiếu riêng lẻ là kênh huy động vốn duy nhất. Những lúc như thế này, doanh nghiệp sẽ phải tính toán các kênh huy động hiệu quả khác" - ông Dương thông tin.