Từ vụ S.Tix Coffee: Tham lãi cao, nhà đầu tư nhẹ dạ dễ mắc bẫy?

09/12/2021 21:00

Sự việc hàng trăm nhà đầu tư bỏ tiền vào startup S.Tix Coffee và có nguy cơ mất trắng khi Founder Đinh Công Đạt ôm tiền và mất hút lại một lần nữa cho thấy không ít nhà đầu tư đã quá nhẹ dạ trước lời hứa trả lãi cao.

Những ngày qua nhiều nhà đầu tư đã gửi đơn tố cáo S.TIX Coffee đến Cơ quan cảnh sát điều tra quận 10 và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu TP.HCM sau khi họ không liên lạc được với Đinh Công Đạt, người đại diện theo pháp luật tại Công ty TNHH S.TIX Coffee, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu S.Tix Coffee.

S.Tix Coffee khai trương cửa hàng đầu tiên vào tháng 12/2019, sau đó mở được 6 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM, chưa kể các điểm bán take away. Dù chỉ có vốn điều lệ 50 triệu đồng khi mới thành lập, nhưng CEO S.Tix Coffee Đinh Công Đạt (SN 1994) đã gọi vốn khoảng 200 tỷ đồng từ các nhà đầu tư.

Việc hợp tác làm ăn kinh doanh được pháp luật cho phép và quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Đầu tư,…Tuy nhiên để đầu tư kinh doanh có hiệu quả thì nhà đầu tư cần phải trang bị cho mình kiến thức nhất định, tìm hiểu rõ ràng về mô hình kinh doanh mình có ý định đầu tư; trình độ, uy tín của thương hiệu/doanh nghiệp/tổ chức/cá nhân sẽ hợp tác đồng thời phải nắm bắt thị trường,…

Hình thức đầu tư vào chuỗi cửa hàng cà phê cũng được lựa chọn khá nhiều trong thời gian gần đây. Nhà đầu tư có thể đầu tư mua cổ phần của công ty hoặc đầu tư vào mô hình xe đẩy take away. Thông thường theo hình thức này thì nhà đầu tư bỏ vốn và công ty sẽ hỗ trợ về mặt vận hành, thuê nhân viên, lợi nhuận sẽ được chi trả theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Từ vụ S.Tix Coffee: Tham lãi cao, nhà đầu tư nhẹ dạ dễ mắc bẫy? - Ảnh 1.

CEO Lê Công Đạt gọi vốn hàng trăm tỷ đồng chỉ với chiêu quen thuộc là trả lãi cao.


Thực tế đã có không ít mô hình kinh doanh có hiệu quả và nhà đầu tư nhận được lợi nhuận theo cam kết. Tuy nhiên cũng không ít vụ việc nhà đầu tư phải nhờ tới cơ quan pháp luật giải quyết.

Với vụ việc của S.Tix Coffee, trao đổi với PV Infonet, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, có thể thấy CEO của S.Tix Coffee đang “ôm” số tiền rất lớn của các nhà đầu tư và có dấu hiệu bỏ trốn.

“Trường hợp người này (Đinh Công Đạt – PV) dùng thủ đoạn gian dối, đưa ra thông tin sai sự thật khiến các nhà đầu tư tin tưởng góp vốn nhằm chiếm đoạt tài sản của họ thì hành vi này có thể cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”, luật sư Đặng Văn Cường nói.

Theo thông tin các nhà đầu tư cung cấp, sau khi cùng nhau thống kê các điểm bán take away trong hợp đồng của mình thì có những điểm bán mà số lượng nhà đầu tư lên tới hàng chục người, những người cùng chung điểm bán thì được báo cáo doanh số không đồng nhất.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, nếu chỉ với một địa điểm kinh doanh, S.Tix Coffee cùng lúc huy động vốn từ nhiều người, khiến giá trị đầu tư vượt xa giá trị thật, thực tế không thể có lợi nhuận như cam kết mà chỉ là một cách thức “tô vẽ” để nhà đầu tư tin tưởng bỏ tiền vào. Như vậy, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thứ cấp. Nếu người phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Từ vụ S.Tix Coffee: Tham lãi cao, nhà đầu tư nhẹ dạ dễ mắc bẫy? - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp.


Trường hợp sau khi đã nhận được tài sản của các nhà đầu tư góp vốn bằng hình thức hợp đồng thì vị CEO mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản do mình đang quản lý, hoặc bỏ trốn với ý thức không trả lại tài sản cho nhà đầu tư, hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả thì hành vi này có thể cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

“Ở đây có thể hiểu là sự vi phạm nghĩa vụ trả lại tiền cho nhà đầu tư bằng hành vi chiếm đoạt. Tất nhiên khi đánh giá hành vi bỏ trốn của người phạm tội cần phải xem xét một cách khách quan, toàn diện, nếu người phạm tội bỏ trốn hoặc tránh mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản vì nguyên nhân khác thì không coi là bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản”, luật sư Đặng Văn Cương nói.

Ngay cả khi “doanh nhân trẻ thành đạt” Đinh Công Đạt không có hành vi gian dối, không bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản nhưng lại dùng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì cũng bị coi là Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định nếu phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Trường hợp Đinh Công Đạt không có hành vi gian dối hay bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản mà chỉ do thua lỗ trong quá trình kinh doanh bởi nhiều lý do khác nhau (trong đó có ảnh hưởng của dịch bệnh) dẫn đến chưa thanh toán được lợi nhuận cho các nhà đầu tư như cam kết thì hai bên có thể thương lượng, hòa giải, trường hợp không thể giải quyết thì có thể khởi kiện yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết thông qua thủ tục tố tụng dân sự.

“Sự việc trên tiếp tục là bài học cảnh báo cho nhiều người về việc đầu tư kinh doanh, để tài sản được sử dụng hiệu quả, mang lại giá trị thì chủ sở hữu tài sản phải có kiến thức tương xứng, trang bị cho mình những kiến thức đầu tư nhất định trước khi tiến hành đầu tư, tránh tiền mất tật mang”, luật sư Đặng Văn Cường khuyến nghị.


Theo Tuân Nguyễn

Infonet