Điều chưa từng có trong lịch sử 30 năm vừa xảy ra với Adidas

19/03/2024 17:00

Trong lịch sử 30 năm, Adidas lần đầu tiên gánh chịu "nỗi đau" này.

Yeezy – mẫu giày biểu tượng đã từ mối quan hệ đối tác trong mơ của Adidas trở thành cơn ác mộng tài chính của hãng trong vài năm gần đây. Và mới nhất, bóng ma của Yeezy (ý chỉ lượng hàng dư thừa) tiếp tục ám ảnh thương hiệu thể thao của Đức.

Adidas đã trải qua 12 tháng đầy thử thách sau khi cắt đứt mối quan hệ hợp tác với rapper Kanye West, người đã cùng hợp tác ra mắt Yeezy vào năm 2015.

Lần đầu tiên trong 30 năm, công ty báo lỗ ròng vào năm 2023 giữa lúc Giám đốc điều hành Bjørn Gulden cũng đang cố gắng đưa công ty trở lại đúng hướng.

Theo Reuters, khoản lỗ 58 triệu euro (63,4 triệu USD) vào năm ngoái so với lãi ròng 254 triệu euro (277,61 triệu USD) vào năm 2022, đánh dấu khoản lỗ ròng hàng năm đầu tiên của Adidas kể từ năm 1992. Adidas cũng cho rằng sự sụt giảm này là do tác động của việc tăng thuế suất.

Giám đốc điều hành Gulden, người đã đảm nhiệm chức vụ này từ đầu năm 2023 cho biết trong một tuyên bố hôm thứ tư: "Mặc dù vẫn chưa đủ tốt nhưng năm 2023 đã kết thúc tốt hơn những gì tôi dự tính vào đầu năm".

Ông nói: "Mặc dù mất rất nhiều doanh thu từ Yeezy và chiến lược sell-in (bán vào hệ thống phân phối) rất thận trọng, chúng tôi vẫn có được doanh thu không đổi". 

Cũng phải thừa nhận rằng, dù tai họa tài chính của việc chia tay Yeezy không hề dễ dàng, nhưng Adidas cũng cũng lúc phải đối mặt với các yếu tố như biến động tỷ giá hối đoái và nhu cầu quần áo thể thao giảm sút, khiến lợi nhuận hoạt động tổng thể giảm 60% so với mức năm 2022. Con số này cao hơn gần 1 tỷ euro so với dự kiến trước đây, nhưng vẫn cho thấy "nỗi đau" mà Adidas phải đối mặt khi giải quyết lượng hàng tồn kho Yeezy.

Điều chưa từng có trong lịch sử 30 năm vừa xảy ra với Adidas- Ảnh 1.

Công ty cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề khác. Tại Bắc Mỹ, thị trường lớn thứ hai của công ty, Adidas dự đoán doanh số bán hàng sẽ giảm vào năm 2024 do tình trạng dư thừa hàng tồn kho, trong khi hãng vẫn tiếp tục bán ra những đôi Yeezy. Cuối tháng trước, Adidas đã công bố ra mắt một đợt giày thể thao mới.

Vào tháng 1, khi gã khổng lồ đồ thể thao công bố kết quả sơ bộ, công ty cho biết họ sẽ bán những chiếc Yeezy còn lại "ít nhất với giá gốc" để loại bỏ lượng hàng dư thừa mà không phải hủy bỏ. Đó là một tuyên bố khó khăn đối với Adidas vì rõ ràng họ muốn tránh xa mối quan hệ hợp tác đầy tranh cãi với West.

Trên thực tế, dòng giày thể thao này đã mang lại lợi nhuận đáng kinh ngạc cho Adidas, thậm chí nhiều tháng sau khi hãng này ly hôn với West. Adidas cho biết giày thể thao Yeezy đã mang lại cho Adidas doanh thu 750 triệu euro (819 triệu USD) trong quý 2 và quý 3 năm 2023.

Adidas kỳ vọng lợi nhuận hoạt động sẽ đạt 500 triệu euro (547 triệu USD) trong năm nay, mặc dù kho dự trữ Yeezy của họ đã được bán với giá gốc.

Vẫn có những tin tức tích cực với Adidas: Một số mẫu giày dép khác của Adidas đã trở nên phổ biến hơn. Ví dụ: Giày Samba và Gazelle của thương hiệu này đã giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của phân khúc giày dép và may mặc vào năm 2023.

Mặc dù khoản lỗ ròng của công ty vào năm 2023 là đáng kể nhưng Adidas cho biết hội đồng quản trị của họ sẽ duy trì mức cổ tức 0,70 euro trên mỗi cổ phiếu.

Thomas Joekel, giám đốc danh mục đầu tư tại Union Investment nói với Reuters: "Mọi thứ rõ ràng đã đi đúng hướng tại Adidas kể từ khi Bjorn Gulden tiếp quản. Sức nóng thương hiệu ngày càng tăng, điều này cũng có thể thấy được từ thực tế là hiện nay có ít sản phẩm phải bán giảm giá hơn".

Các nhà phân tích của Deutsche Bank nhấn mạnh rằng năm hiện tại sẽ đánh dấu một bước chuyển đổi đang diễn ra đối với Adidas, nhưng cũng chỉ ra "sự phục hồi trong động lực của ngành".

"Dù vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng tôi cảm thấy rất tự tin rằng chúng tôi đang đi đúng hướng. Chúng tôi sẽ mang Adidas quay trở lại lần nữa. Hãy cho chúng tôi chút thời gian", Gulden nói.

Theo: Fortune