Động thái lạ của đơn vị chế biến khi giá cà phê tăng phi mã

22/04/2024 00:13

Giá cà phê nhân đã thiết lập kỷ lục mới khi đạt mức hơn 123.000 đồng/kg. Nguyên liệu tăng giá nhưng qua khảo sát, các sản phẩm chế biến sâu phục vụ khách hàng vẫn “nằm im’.

Ngày 21/4 giá cà phê trong nước tiếp tục tăng trưởng, thiết lập kỷ lục mới với mức hơn 123.000 đồng/kg. Mức giá này đã xô đổ kỷ lục vừa thiết lập cách đây không lâu.

Giá cà phê tăng cao khiến các nhà rang xay, chế biến sâu phải lên kế hoạch để thích nghi với tình hình mới. Tuy nhiên, theo khảo sát, một số đơn vị kinh doanh cà phê sau chế biến trên địa bàn Đắk Lắk (thủ phủ cà phê của Việt Nam), vẫn “nằm im” chờ thời.

Động thái lạ của đơn vị chế biến khi giá cà phê tăng phi mã- Ảnh 1.

Cà phê đã thiết lập mức giá mới.

Ông Hoàng Danh Hữu - nhà sáng lập thương hiệu Miss Ede - chia sẻ, giá cà phê nhân tăng cao nhưng doanh nghiệp chưa thể tăng các sản phẩm chế biến sâu từ hạt "ngọc đen”. Bởi các nhãn hàng thành phẩm đang phân phối khắp cả nước đã được doanh nghiệp chốt giá toàn hệ thống. Việc thay đổi giá bán vào thời điểm kinh tế khủng hoảng, sức mua người dân giảm thấp sẽ đối diện rủi ro. Người tiêu dùng và các nhà phân phối quay lưng với nhãn hiệu.

Theo ông Hữu, hiện nay, chỉ có những doanh nghiệp bán nguyên liệu vào kênh quán cà phê hoặc chỉ bán dạng online cá nhân, hoặc quy mô phân phối nhỏ mới có thể tăng giá vì mức độ ảnh hưởng thấp.

Phía doanh nghiệp đang chờ động thái từ các “ông lớn” trong ngành cà phê để đưa ra quyết định. Bởi nếu họ có điều chỉnh tăng thì doanh nghiệp sẽ điều chỉnh theo. Lúc đó là tất yếu và nhà phân phối cũng như người tiêu dùng sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.

Động thái lạ của đơn vị chế biến khi giá cà phê tăng phi mã- Ảnh 2.

Nhiều đơn vị chế biến sâu chưa tăng giá các sản phẩm.

Vừa là nhà rang xay cung cấp cà phê bột, vừa sở hữu thương hiệu cà phê riêng với nhiều sản phẩm chế sâu và có cửa hàng bán cà phê trực tiếp đến tay người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Hoài Trinh - Phó Giám đốc Công ty TNHH G20 Coffee, Đắk Lắk - cho biết chưa tăng giá các sản phẩm do nguồn nguyên liệu đã liên kết nông dân, thu mua từ đầu vụ, ổn định chất lượng tại từ các vườn cây liên kết...

Tuy nhiên, thời gian tới, khi nguyên liệu cũ đã hết, phải nhập hàng mới, công ty sẽ điều chỉnh giá bán cho phù hợp với thị trường. Hiện, phía công ty đã thông báo đến các đối tác, sau ngày 30/4 sẽ áp dụng bảng giá mới. Theo vị này, nguyên liệu đầu vào tăng nên sản phẩm chế biến sâu sẽ phải tăng theo. Tuy nhiên, bà tiết lộ, mức giá mới sẽ ở mức phù hợp để khách hàng chấp nhận được, doanh nghiệp cũng hài hoà được lợi nhuận.

Động thái lạ của đơn vị chế biến khi giá cà phê tăng phi mã- Ảnh 3.

Cà phê nhân tăng giá nhưng nhiều đơn vị chế biến sâu chưa thể tăng theo.

Là tín đồ cà phê, anh Đào Văn Định (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết, một số quán đã tăng giá bán cà phê. Trước đây, 1 ly cà phê sữa nóng có giá 15.000 đồng, gần tuần nay mức giá được điều chỉnh lên 17.000 đồng/ly. Theo anh Định, việc tăng 2.000 đồng/ly là bình thường bởi thời gian qua giá cà phê nhân đã tăng rất cao. Anh mong muốn các cơ sở kinh doanh vẫn giữ được chất lượng cho ly cà phê. Người tiêu dùng sẵn sàng chi mức giá xứng đáng cho 1 ly cà phê chất lượng.

Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - cho biết, giá cà phê nhân tăng cao nhưng giá các sản phẩm chế biến sâu vẫn chưa có sự biến động nhiều. Một số quán cà phê có tăng nhưng không đáng kể, theo kiểu “nhỏ giọt”. Hiện các nhà rang xay đang “đau đầu” vì chưa thể tăng giá do họ phải giữ đối tác. Hiện họ đang thăm dò tình hình, nhưng thời gian tới cà phê nhân vẫn neo ở mức cao thì họ sẽ điều chỉnh mức giá.