Giá gạo trong nước và xuất khẩu duy trì ổn định

12/04/2024 12:30

Năm 2024 dù tình hình thế giới vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm.

Giá gạo duy trì ổn định

Giá lúa gạo hôm nay 12/4 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định với cả lúa và gạo. Theo đó, với mặt hàng lúa, giá lúa duy trì đà đi ngang. Ghi nhận tại các địa phương, giao dịch lúa khô lai rai, bạn hàng có lúa trữ chào giá cao. Tại An Giang, giao dịch lúa mới ít, đa phần lúa đã được cọc. Tại Kiên Giang, lúa Japonica lượng về giảm nhiều, khó mua lúa mới. Tại Đồng Tháp, nhu cầu mua lúa khá nhưng nguồn còn rất ít.

Cụ thể, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa OM 18 ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; OM 5451 ở mức 7.600 - 7.700 đồng/kg; nếp Long An tươi 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 dao động quanh mốc 7.700 - 8.000 đồng/kg; IR 504 ở mức 7.200 - 7.300 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 dao động quanh mốc 7.500 - 7.700 đồng/kg; lúa OM 380 duy trì ổn định quanh mức 7.500 - 7.600 đồng/kg.

Theo số liệu trên báo Quân Đội Nhân Dân trên thị trường gạo, tại các địa phương hôm nay lượng gạo về ít, gạo đẹp kho mua khá, giá tăng. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 10.950 - 11.050 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 duy trì ổn định quanh mức 13.450 - 13.550 đồng/kg.

Ngoài ra với mặt hàng phụ phẩm, giá không có biến động. Theo đó, giá tấm IR 504 duy trì ổn định ở mức 10.700 - 10.800 đồng/kg; cám khô dao động quanh mốc 4.700 - 4.750 đồng/kg.

Trong khi đó tại các chợ lẻ, giá gạo đi ngang. Theo đó, giá gạo thường dao động quanh mốc 14.000 - 15.000 đồng/kg; gạo Jasmine 17.000 - 18.000 đồng/kg; gạo Nàng Nhen 26.000 đồng/kg; thơm thái hạt dài 19.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Hương lài 21.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay đi ngang. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam gạo tiêu chuẩn 5% tấm hiện ở mức 576 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 554 USD/tấn, gạo 100% tấm 480 USD/tấn.

Đáng chú ý ba tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 2,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 1,4 tỷ USD, tăng khoảng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả này, xuất khẩu gạo đã lọt top những mặt hàng nông nghiệp có mức tăng trưởng cao và đạt trên tỷ USD trong 3 tháng đầu năm.

Tiêu dùng & Dư luận - Giá gạo trong nước và xuất khẩu duy trì ổn định

Năm 2024 vẫn được đánh giá là năm thuận lợi cho xuất khẩu gạo, song, doanh nghiệp cần nắm bắt tốt các tín hiệu thị trường để duy trì hiệu quả xuất khẩu. Ảnh minh họa.

Năm 2024 vẫn được đánh giá là năm thuận lợi cho xuất khẩu gạo

Hiện nay ngành lúa gạo Việt Nam đã nâng cao vị thế, mở rộng thị trường tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Úc, khu vực Trung Đông cũng đang có xu hướng ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2024, Bulog được cấp hạn ngạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo, nhưng do vụ thu hoạch lớn vào tháng 3 và 4 bị trễ đến 2 tháng nên Chính phủ Indonesia đã phân bổ hạn ngạch nhập khẩu gạo bổ sung 1,6 triệu tấn cho năm nay. Như vậy, tổng hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 của Indonesia lên đến 3,6 triệu tấn gạo.

Thông tin thêm trên báo Nhân Dân tính đến nay, Indonesia đã nhập khẩu 650.000 tấn gạo và ký hợp đồng nhập khẩu thêm 350.000 tấn gạo cho năm 2024, một nửa lượng nhập khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam và phần còn lại từ Thái Lan, Pakistan và Campuchia.

Được biết, trong đợt công bố thầu hồi cuối tháng 3/2024 của Bulog, doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 108.000 tấn gạo, đẩy giá trong nước tăng đáng kể. Do đó nếu đợt mở thầu 300.000 tấn gạo lần này doanh nghiệp Việt Nam thắng thầu với số lượng lớn thì chắc chắn giá gạo trong nước sẽ tăng lên bởi Việt Nam hiện vào cuối vụ thu hoạch nguồn cung không còn dồi dào như trước và có thể khó mua được hàng.

Việc Indonesia thông báo mở thầu được cho là tín hiệu vui cho xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hết quý I/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 2,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 1,4 tỷ USD, tăng khoảng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu gạo lọt vào Top những mặt hàng nông nghiệp có mức tăng trưởng cao và đạt hơn tỷ USD trong 3 tháng đầu năm.

Tiếp theo thành công của năm 2023, xuất khẩu gạo được đánh giá là vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong năm 2024. Về thị trường, Philippines là thị trường tiêu thụ lớn nhất của ngành hàng gạo Việt Nam. Ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines thông tin, Philippines là thị trường tiêu thụ lớn nhất của gạo Việt Nam, với 85% sản lượng được nhập từ nước ta, 10% từ Thái Lan và còn lại là các thị trường Ấn Độ, Bangladesh, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).

Dự báo cuất khẩu gạo năm 2024 tiếp tục sôi động khi nhu cầu của các thị trường tiêu thụ lớn khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Malaysia, Trung Quốc và châu Phi tăng cao do lo ngại thời tiết nắng nóng El Nino sẽ kéo dài đến giữa năm 2024. Giá nội địa cũng dự báo tiếp tục ổn định ở mức cao và duy trì xu hướng đi lên. Do đó, kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2024 khoảng 6,5 triệu tấn.

Xuất khẩu gạo đạt 4,78 tỷ USD năm 2023

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết năm 2023 xuất khẩu gạo lập kỷ lục về sản lượng, năng suất, khi cán đích với kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 4,78 tỷ USD.

Con số này tăng 36,6% so với năm trước, mức xuất khẩu cao nhất trong nhiều năm của ngành lúa gạo Việt Nam.

Trúc Chi (t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Giá gạo trong nước và xuất khẩu duy trì ổn định" tại chuyên mục Kinh tế.