Ngành dệt may quyết tâm trở lại “quỹ đạo”: Kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 44 tỷ USD

15/02/2024 08:11

Với bài học kinh nghiệm từ năm 2023, năm 2024 ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD.

Dự báo nửa cuối 2024 ngành dệt may mới có thể phục hồi

Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất một số giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp giúp xuất khẩu dệt may đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024

Theo báo Lao Động, năm 2024 được dự báo vẫn là thời gian thách thức với ngành dệt may Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến chưa có nhiều khởi sắc, dẫn đến việc người tiêu dùng giảm chi tiêu. Các nhà bán lẻ thời trang đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau như mức tồn kho cao, cạnh tranh gia tăng.

Đáng chú ý, trong quý I/2024, chuyên gia từ Công ty Chứng khoán SSI nhận thấy giá bán trung bình tiếp tục giảm khoảng 20 - 30% so với cùng kỳ và lượng đơn đặt hàng đều ở mức thấp.

"Tăng trưởng vải nhập khẩu vẫn yếu trong quý IV/2023 dù đã có mức nền so sánh thấp trong quý IV/2022. Điều này cho thấy nhu cầu xuất khẩu hàng may mặc trong quý I/2024 vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Trước đó trong tháng 12.2023, theo S&P Global, PMI Việt Nam đạt 48,9 điểm và vẫn ở mức thấp kể từ dịch COVID-19 đến nay. Các nhà sản xuất kỳ vọng sự phục hồi có thể diễn ra vào nửa cuối năm 2024" - chuyên gia cho biết.

Bên cạnh đó, sự kiện Biển Đỏ có thể gây hiệu ứng gợn sóng đến hoạt động kinh doanh quý I/2024 của các doanh nghiệp xuất khẩu. Chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ/châu Âu tăng hơn gấp đôi trong tháng 1/2024 so với tháng trước đó. Hơn nữa, khi căng thẳng leo thang, thời gian giao hàng và chi phí bảo hiểm tăng lên. Từ đó các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I/2024 có thể phải chịu chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi tình hình Biển Đỏ hạ nhiệt.

"Quá trình phục hồi sẽ diễn ra chậm hơn dự kiến do chi tiêu không thiết yếu thường có thời gian phục hồi kéo dài. Do lợi nhuận của hầu hết các công ty đã giảm từ 40 - 50% so với cùng kỳ trong năm 2023, mức tăng trưởng lợi nhuận được kỳ vọng từ 20 - 30% so với cùng kỳ cho năm 2024 (cao hơn so với thị trường chung). Lợi nhuận sẽ dần phục hồi trong suốt cả năm, nhưng khó có thể quay trở lại như mức năm 2022 trong năm 2024" - SSI nhận định.

Điểm tích cực theo ông Michael Kokalari - Giám đốc Phòng Phân tích Kinh tế Vĩ mô và Nghiên cứu Thị trường Quỹ đầu tư VinaCapital là khách hàng quốc tế đã thông báo cho các doanh nghiệp dệt may và giày dép Việt Nam về việc chuẩn bị đón lượng đơn hàng lớn hơn trong năm nay. Tuy nhiên các đơn hàng này lại được chia nhỏ hoặc ở dưới dạng đơn giao gấp nhiều hơn thay vì kế hoạch nhập hàng trước từ 6 - 12 tháng như trước đây.

Ngoài ra, theo đội ngũ phân tích từ WiGroup, xu hướng gia tăng đơn hàng xuất khẩu từ các thị trường nước ngoài cùng tín hiệu phục hồi kinh tế của các thị trường đối tác như Mỹ mang đến cơ hội tốt hơn cho ngành này. Thêm vào đó, ngành dệt may có thị trường xuất khẩu lớn là Mỹ với 60% cơ cấu xuất khẩu hàng may mặc hàng năm được xuất vào thị trường này. WiGroup dự báo đơn hàng dệt may sẽ tăng trở lại do kết thúc chu kỳ cắt giảm hàng tồn kho của Mỹ và người dân Mỹ tiếp tục đẩy mạnh chi tiêu năm 2024.

Kinh tế vĩ mô - Ngành dệt may quyết tâm trở lại “quỹ đạo”: Kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 44 tỷ USD

Ảnh minh họa.

Phấn đấu mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD

Những khó khăn hiện nay của ngành dệt may được nối tiếp của 2023, năm mà tình hình thị trường xuất khẩu rất khó khăn. Doanh nghiệp phải chịu nhiều áp lực, thách thức lớn từ suy thoái kinh tế toàn cầu, dư âm của đại dịch Covid-19, lượng hàng tồn kho lớn do nhu cầu suy yếu dẫn đến việc cắt giảm lao động lẫn giờ làm.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), cho rằng 2023 là năm khó khăn nhất trong suốt hơn 30 năm xuất khẩu của ngành dệt may nếu không tính năm 2021 thế giới đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19. Ngành đã có một năm lao động vất vả hơn, làm nhiều hơn nhưng hiệu quả thấp hơn, theo Kinh tế SG.

Dù kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh năm 2023 nhưng ngành dệt may vẫn có một số bứt phá. Chưa năm nào Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang nhiều thị trường như năm qua, tới 104 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 2023 ước đạt khoảng 40,3 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022 và tụt xa mục tiêu ban đầu đặt ra là với 47-48 tỷ USD.

Trong khi đó, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, cho rằng ngành dệt may trong nước nhìn chung đang tiếp tục xu hướng phục hồi. Sự suy giảm về giá trị xuất khẩu thu hẹp dần trong nửa cuối năm 2023, thị trường được dự báo về sự “ấm dần” trong năm 2024.

Ngành dệt may trong nước còn có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh. Đó là 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết đang được thực thi, 3 FTA khác đang trong quá trình đàm phán và sớm có hiệu lực.

“Trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, VITAS đặt mục tiêu toàn ngành năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD”, ông Giang kỳ vọng.

Dù vậy, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu này của ngành, giới phân tích và các doanh nghiệp cho là gặp không ít khó khăn để trở thành hiện thực. Bởi lẽ kinh tế thế giới còn nhiều biến động và hết sức bất định. Đơn hàng xuất khẩu dự báo tiếp tục giảm, xu thế số lượng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào cao.

Cùng với đó là rủi ro nghĩa vụ trả nợ, rủi ro lãi suất, tỉ giá giảm, xu hướng chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh… là những vấn đề đặt ra với dệt may thời gian tới.

Đáng chú ý, ngành dệt may còn phải đối diện với hàng loạt khó khăn từ “hàng rào kỹ thuật” của các quốc gia nhập khẩu, nhãn hàng thời trang. Đó là việc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức…

Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022. Đây là thông tin được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đưa ra tại họp báo trước hội nghị tổng kết ngành dệt may 2023.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, năm 2023 thế giới chứng kiến sự phục hồi chậm chạp của các nền kinh tế khi căng thẳng địa chính trị vẫn tồn tại làm phân mảnh thương mại, lạm phát cao và sự mất ổn định tại thị trường tài chính khiến sức mua sụt giảm đáng kể.

Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc ước giảm 3,1 tỷ USD (tương đương 8,9%), xuất khẩu vải ước giảm 186 triệu USD (tương đương 6,9%), xuất khẩu xơ sợi ước giảm 485 triệu USD (tương đương 10,3%), xuất khẩu nguyên phụ liệu ước giảm 218 triệu USD (tương đương 16%).

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu dệt may không đạt mục tiêu 45 - 47 tỷ USD như đã đặt ra đầu năm nay. Tuy nhiên, Chủ tịch Vitas nhìn nhận, năm 2023, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có sự thay đổi rõ rệt. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh như: đồ nỉ, quần short, quần áo trẻ em… Ở chiều ngược lại, các mặt hàng như: đồ bảo hộ lao động, bộ comple, quần áo y tế, quần jeans lại tăng nhanh.

Đáng chú ý, xuất khẩu của ngành dệt may 2023 cũng là năm bứt phá thị trường, xuất khẩu tới 104 vùng lãnh thổ. Đây là con số kỷ lục, thông tin trên Người Lao Động.

Trúc Chi (t/h)