Thanh Bùi: Nói “trẻ con như tờ giấy trắng” là quá sai rồi, làm giáo dục phải bắt đầu từ 1 câu hỏi!

14/09/2023 12:30

"Nếu tôi mất công làm chuyện này chỉ để dành cho những người giàu thì chắc chắn tôi sẽ không làm đâu", Thanh Bùi trả lời như vậy khi được hỏi về hệ thống giáo dục do anh sáng lập.

Thanh Bùi nói trước khi kết hôn, anh và vợ từng thống nhất sẽ không sinh con. Gần 10 năm hôn nhân, hai con song sinh Kiến An, Khải An ra đời trong sự ngỡ ngàng và hạnh phúc của hai bên gia đình. Việc sinh đôi tự nhiên khiến hai bé sinh non gần hai tháng, kéo theo rất nhiều khó khăn.

Sự xuất hiện của tụi nhỏ khiến cuộc đời Thanh Bùi thay đổi. Từ nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, anh chuyên tâm làm giáo dục. Động lực lớn nhất của nhà giáo dục, doanh nhân quốc tịch Úc là hai cậu con trai 6 tuổi.

Thanh Bùi: Nói “trẻ con như tờ giấy trắng” là quá sai rồi, làm giáo dục phải bắt đầu từ 1 câu hỏi! - Ảnh 1.

Nghe nói anh lớn lên ở Úc với tuổi thơ đầy khó khăn và tôi thực lòng rất muốn biết anh đã trải qua giai đoạn đó như thế nào?

Hồi mới sang đó, gia đình tôi sống trong nông trại trồng khoai tây. Khó khăn nhiều lắm… Cả gia đình không biết ngôn ngữ nước họ, cái gì cũng không có… Ở đó có chiếc máy đào đất và ba tôi luôn chạy theo sau nó để lượm khoai. Nếu bây giờ xem lại những bức ảnh cũ, chắc bạn sẽ “choáng” vì thấy ba tôi: Quần áo sờn bạc màu, gầy rơ, mắt trũng sâu hoắm. Nhìn kinh khủng (cười)!

Nhưng không hiểu sao mỗi khi kể lại, tôi chỉ nhớ tuổi thơ bình yên. Bởi vì ba mẹ tôi đã nỗ lực hết sức để các con không có cảm giác thiếu thốn bất cứ điều gì, mặc dù gia đình vô cùng nghèo.

Năm tôi 5 tuổi, một người Úc giàu có, chỉ một lần nghe tôi hát, không biết ông tìm thấy điều gì, đã quyết định tài trợ học bổng trọn đời cho tôi, giá trị (ừm) có lẽ hơn 1 triệu USD. Nhờ ông, tôi được học tập ở những trường danh giá nhất tại Úc, trong đó trường cấp 3 từng có hai Thủ tướng Úc theo học.

Rồi tôi về Việt Nam theo tiếng gọi trong dòng máu của mình. Một người từ Úc về, chưa từng hát tiếng Việt, bài đầu tiên viết ra lại thành hit mà đến hôm nay nghe lại, thú thực tôi rất khó chịu vì tiếng Việt của mình dở quá (cười lớn).

Những chuyện đó tôi không thể giải thích. Nhưng mẹ tôi thường bảo: “Con ơi, con được như vậy là nhờ cái đức của ba mẹ, cái đức của gia đình đó”.

Hồi xưa tôi không hiểu nhưng khi trải qua sóng gió cuộc sống, tôi rất quý trọng sự nỗ lực của ba mẹ. Họ đã từng phải làm việc quần quật hơn 100 giờ/ tuần để kiếm sống nhưng không ngừng cố gắng và lạc quan. Ba tôi  thường nói: “Mình cứ sống tốt rồi ông Trời sẽ thương”.

Thanh Bùi: Nói “trẻ con như tờ giấy trắng” là quá sai rồi, làm giáo dục phải bắt đầu từ 1 câu hỏi! - Ảnh 2.

Một người được hưởng rất nhiều điều tốt đẹp từ gia đình và gặp may mắn trong cuộc sống như anh sẽ có cách giáo dục con khác biệt thế nào?

Trong việc dạy con, tôi vừa là thầy cũng vừa là học trò. Ví dụ: tụi nhỏ không sợ gì hết. Chúng luôn hỏi: Ba ơi, sao không làm thế này, sao không thế kia, tại sao vậy? Tôi chợt ngớ người rồi nói: Ừ đúng đó con, tại sao không?

Khi đóng vai người thầy, tôi giáo dục con qua đôi mắt của chúng. Nhiều người nói “trẻ con như tờ giấy trắng” nhưng tôi thấy quan điểm đó sai quá. Ngay từ khi sinh ra, con đã là con và chứa đựng cả thế giới của chúng chứ không thể nào chỉ là tờ giấy trắng. Mình sinh con ra, nhưng đâu sở hữu hay được áp đặt cho nó. Điều ông Trời ban cho mình là cơ hội có mặt ở đây, đồng hành cùng con mấy chục năm, cùng với con tìm ra đam mê, tài năng, tiềm năng của con là gì và trả lời câu hỏi con là ai?

Tôi nhận thấy trẻ em Việt quá thiếu không gian để tự lập. Có nhiều em đến khi du học không biết sống thế nào vì ở nhà ba mẹ lo từ những việc chi li nhất. Và vì họ đã làm thay con mọi việc, ba mẹ thậm chí hy sinh hết mọi thứ vì nghĩ như vậy tốt cho con nên thường đặt lên vai chúng nhiều kỳ vọng.

Thanh Bùi: Nói “trẻ con như tờ giấy trắng” là quá sai rồi, làm giáo dục phải bắt đầu từ 1 câu hỏi! - Ảnh 3.

Bạn nghĩ xem, khi lớn lên, có phải đa phần mọi người đều muốn trả lời câu hỏi: “Tôi là ai?” Và khi không trả lời được câu hỏi đó, họ có làm bất cứ việc gì trong lòng đều có khoảng trống. Người ta có thể có nhiều tiền, thành công… nhưng họ có thực sự hạnh phúc không?

Nếu có thì tại sao rất nhiều người khi đã thành đạt, vẫn lạc lối và đánh mất vì những điều không đáng. Phải chăng họ không thực sự hiểu mình, không biết mình là ai?

Vậy thì nền giáo dục ngay từ sớm phải giúp mỗi người tự trả lời được câu hỏi quan trọng ấy. Đó cũng là lý do tôi quyết định làm giáo dục vì trước tiên là muốn đem đến môi trường tốt nhất cho hai con của mình.

Tôi không kỳ vọng con phải là cái gì đó. Chỉ cần con là con thôi. Khi các con đã trả lời được câu hỏi “tôi là ai” thì tự chúng sẽ biết nên làm gì.

Tôi cũng dạy con, nếu ai áp đặt con điều gì, con chỉ cần nói: “Chú/ cô ơi, cái này không phải cái con thích”. Rất lịch sự vậy thôi!

Thanh Bùi: Nói “trẻ con như tờ giấy trắng” là quá sai rồi, làm giáo dục phải bắt đầu từ 1 câu hỏi! - Ảnh 4.

Nói vậy, lý do anh chuyển hướng từ một nghệ sĩ sang người làm giáo dục hoàn toàn vì các con?

Đúng vậy! Tôi đã bắt đầu một hành trình mà đôi khi tôi hay nói đùa với hai con: Trời ơi, tụi con làm cho ba khổ muốn chết! (cười lớn).

Vậy sao anh không cho con đi du học giống như nhiều phụ huynh khác?

Tôi không muốn. Bởi vì tôi không nỡ xa con và tôi cũng biết, rất nhiều người cho con đi du học sớm để rồi họ gần như bị mất con.

Tôi cũng nghĩ các con khi còn nhỏ rất cần phải ở gần ba mẹ, phải biết về gia đình của mình và không thể mất đi nguồn cội đó. Còn sau này, khi đã đủ 18 tuổi, con đi đâu tùy thôi. Tôi cũng thường nói với chúng, tầm đó các con phải tự túc, ba chẳng có gì để cho nữa bởi vì ba đã cho các con cả cuộc đời của ba rồi.

Nhưng giáo dục là chuyện cả đời chứ không phải là một phút bốc đồng…

“Oh my God”, bây giờ tôi mới “thấm” giáo dục là câu chuyện cả đời đấy (cười lớn). Nhưng trên đời này, câu nói “nghề chọn người” rất đúng. Nếu hỏi tôi có duyên với cái gì nhất thì tôi nghĩ không phải âm nhạc đâu mà là làm giáo dục và phát triển con người.

Khi mới 18-19 tuổi, ở bên nước ngoài, nghề giúp tôi kiếm tiền để tự trang trải là dạy học.

Chuyện đó rất khác với bây giờ khi anh mở ra cả một hệ thống giáo dục và tự hào nói rằng, mình sẽ đào tạo ra một thế hệ người Việt Nam mới tinh hoa. Vấn đề là Thanh Bùi xuất phát từ một nghệ sĩ và nhiều người, trong đó có tôi, rất băn khoăn: Anh có thể làm giáo dục được không và sẽ làm như thế nào?

Thế thì phải hỏi lại: Làm giáo dục có cần người thuần về giáo dục để thực hiện hay không? Nếu có thì tại sao phải như vậy?

Vấn đề của giáo dục là tư duy. Tôi từng hỏi chính vị giáo sư người Úc đang dạy mình rằng: Thưa giáo sư, tôi muốn mở một công ty và rất mong ông chỉ cho tôi cách vận hành doanh nghiệp. Giáo sư đó là người rất giỏi về chuyên môn giảng dạy, nhưng khi tôi hỏi vậy, ông ấy gần như ngay lập tức mời tôi ra khỏi phòng (cười). Tôi rất tôn trọng ông, vì ai trong xã hội này cũng đều có vị trí của mình nhưng tôi nghĩ giáo dục rất cần sự phối hợp giữa kiến thức với tính thực tiễn, mà điều này lại đang vô cùng thiếu ở Việt Nam.

Cách của tôi là phải có cả hai. Những người dạy ở đây có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế. Ví dụ, tôi rất tự hào Embassy Education Group (hệ sinh thái giáo dục do Thanh Bùi mở ra – PV) là tổ chức giáo dục đầu tiên ở Việt Nam đào tạo toàn diện cho một đứa trẻ (học vấn, nghệ thuật và vận động– PV). Một em bé bước vào hệ thống của chúng tôi sẽ trở thành bất cứ ai mà con muốn. Ví dụ, nếu muốn thành đầu bếp, tôi sẽ hướng con đến các trường quốc tế hàng đầu dành cho nghề này và sẽ có những mentor như anh Luke Nguyễn (đầu bếp người Úc gốc Việt rất nổi tiếng, từng là giám khảo Master Chef Việt Nam - PV) để đi cùng với con. Con muốn thành ca sĩ sẽ có những người như cô Triệu Yên (ThS Âm nhạc, từng là Giảng viên Thanh nhạc tại Nhạc viện TP. HCM), muốn trở thành solist thì sẽ được hướng dẫn bởi nghệ sĩ piano quốc tế Nguyễn Đức Anh. Về bóng đá có Tito Burrell (huấn luyện viên có Chứng nhận UEFA Pro Coach danh giá của Liên đoàn Bóng đá Châu Âu). Bóng bàn thì có Mai Hoàng Mỹ Trang (13 lần vô địch đơn nữ)…

Thanh Bùi: Nói “trẻ con như tờ giấy trắng” là quá sai rồi, làm giáo dục phải bắt đầu từ 1 câu hỏi! - Ảnh 6.

Có lẽ không dễ để những người nổi tiếng như vậy có thể làm mentor cho từng em. Liệu đây có phải là mô hình dành cho các bé con nhà giàu?

Nếu tôi mất công làm chuyện này chỉ để dành cho những người giàu thì chắc chắn tôi sẽ không làm đâu, thực sự đấy!

Điều quan trọng, mình phải có mô hình chuẩn trước rồi từ đó mới mang đến những hệ thống khác cho tất cả mọi người. Ví dụ trong hệ thống trường mầm non, chúng tôi có trường Little Em’s học phí 42 triệu đồng/ tháng, nhưng từ đó cũng có những mô hình khác phù hợp cho các bậc phụ huynh với mức học phí 8-10 triệu của Em’s Maison, hoặc mỗi tháng 12-16 triệu như Western Em’s…

Chương trình học giống nhau, nhưng sự khác biệt ở đây chủ yếu là tỷ lệ dùng tiếng Anh vì nó liên quan chi phí nhân sự. Thứ hai, cơ sở vật chất hạ tầng. Hai điều đó là cốt yếu để giảm chi phí và dù ở phân khúc nào, chúng tôi cũng định vị phải là số 1 về chất lượng.

Chương trình dạy học của các anh có điểm gì khác biệt?

Có 3 điều quan trọng. Thứ nhất, tôi gặp gỡ các chuyên gia giáo dục hàng đầu thế giới, đàm phán và đem những chương trình đào tạo tốt nhất về Việt Nam. Chương trình của chúng tôi có sự điều chỉnh, kết hợp giữa tinh hoa giáo dục trên thế giới với bản sắc văn hoá của Việt Nam.

Để làm được điều đó không dễ. Ví dụ chương trình Kindermusik, tôi đã mất 4 năm mới đem được về Việt Nam. Muốn điều chỉnh một bộ chương trình, tôi phải làm việc với các chuyên gia thế giới và những người giỏi nhất trong nước. Việc đào tạo một giáo viên để họ dạy cho các con từ 4 tháng đến 7 tuổi là rất khó.

Thứ hai, tôi tuyển dụng những giáo viên hàng đầu. Họ là những người có thực tế kinh nghiệm và chuyên môn giảng dạy.

Thứ ba, tôi hướng đến giáo dục toàn diện, xây dựng một hệ thống mà ở đó, việc đá bóng, học khiêu vũ cũng quan trọng như học toán.

Ngoài ra, chúng tôi đầu tư rất lớn cho cơ sở vật chất. Trường và lớp học phải trở thành không gian kích thích sáng tạo. Tôi nghĩ đó là những yếu tố then chốt giúp hệ thống giáo dục mà tôi mở ra tạo nên sự khác biệt.

Thanh Bùi: Nói “trẻ con như tờ giấy trắng” là quá sai rồi, làm giáo dục phải bắt đầu từ 1 câu hỏi! - Ảnh 7.

Có một thực tế, ở nước ngoài, khi ngồi với nhau, người ta không bao giờ tranh luận về điểm số mà sẽ đề cao tư duy và đấu nhau qua văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Thông qua đó, họ đánh giá được toàn diện con người đối phương.

Ở Việt Nam, tôi thấy tư duy các bậc phụ huynh vẫn còn đi sau so với thế giới về mục tiêu giáo dục toàn diện.

Thực tế, khi các con học giỏi một môn, rất dễ có người còn giỏi hơn. Điều quan trọng là phải giáo dục các con thông qua nhiều môn khác nhau. Ví dụ, lúc Kiến An bị ngã, con rất đau nhưng chỉ cần người bạn đã vô tình sút quả bóng trúng mặt con chạy tới bắt tay, ôm nó một cái, Kiến An lập tức đứng dậy đi tiếp. Vậy có phải là thông qua thể thao, con học được cách giao tiếp, hòa đồng và rèn luyện tính cách độ lượng với người khác, đúng không?

Thanh Bùi: Nói “trẻ con như tờ giấy trắng” là quá sai rồi, làm giáo dục phải bắt đầu từ 1 câu hỏi! - Ảnh 8.

Anh vừa nói mình phải đàm phán với những chuyên gia hàng đầu thế giới về giáo dục, cụ thể họ là những ai vậy?

Rất nhiều, từ Sir Ken Robinson (tác giả, diễn giả, nhà tư vấn giáo dục lớn được phong tước Hiệp sĩ Anh, hiện đã mất - PV) đến Howard Gardner - Cha đẻ của thuyết đa trí tuệ. Hiện tại, chúng tôi đang hợp tác với ông trong dự án Harvard Project Zero cho hệ thống giáo dục mầm non.

Ngoài ra, chúng tôi còn hợp tác với Big Bang, Rafael Nadal… những người có thực tế kinh nghiệm hàng đầu trong các lĩnh vực về học thuật, thể thao, âm nhạc…

Làm cách nào anh kết nối và thuyết phục họ nhận lời hợp tác khi hệ thống giáo dục do anh thành lập có tuổi đời chưa phải quá dài?

Khi đã tin và làm điều gì đó tới một mức nhất định thì nhân duyên tự khắc sẽ mở ra.

Khi ngồi với Rafael Nadal, anh ấy nói với tôi: “Thanh ơi, đây là con số mà tôi cần phải yêu cầu Thanh nếu bạn muốn mua được bản quyền của tôi”. Tôi nói “Rafael ơi, không thể được, tôi không thể trả được cái giá đó. Nhưng mà ở Việt Nam chưa có ai từng lọt top 100 tay quần vợt quốc tế và tôi tin, nếu anh giúp tôi, trong 10-20 năm nữa, chắc chắn sẽ có người Việt đầu tiên lọt top và đấy là điều mà rất nhiều người sẽ phải cảm ơn anh”. Nghe vậy, Rafael lập tức đồng ý và cái giá cuối cùng tôi phải trả rất thấp so với ban đầu.

Thanh Bùi: Nói “trẻ con như tờ giấy trắng” là quá sai rồi, làm giáo dục phải bắt đầu từ 1 câu hỏi! - Ảnh 9.

Tôi cũng rất ngưỡng mộ Sir Ken Robinson. Lần đầu tiên tôi gặp ông ở quán cafe bên Los Angeles. Ông cho tôi 1 tiếng để nói, nhưng cuối cùng, chúng tôi đã trao đổi suốt 3 tiếng.

Ông hỏi tôi: “Ở nước cậu, không phải ai cũng thích trẻ nhỏ có nhiều câu hỏi. Vậy nếu cứ cố gắng dạy cho các em sự sáng tạo có phải là kiếm thêm chuyện cho mình không?”

Tôi nói: “Việt Nam đang ngày càng mở và tôi rất tin người Việt hiểu họ rất cần nhân tài”. Tôi cũng nói thêm: “Bác có một bài phát biểu trên Tiktok rất hay, nói về chuyện học nhảy múa có quan trọng như học Toán? Tôi tin nó giống nhau. Và giống như bác, tôi rất muốn chia sẻ điều này với phụ huynh Việt”.

Ông hỏi: “Khó lắm đúng không? Vì ngay cả ở các nước phát triển, chuyện đó đôi khi cũng không dễ”.

Tôi nói: “Đúng, nhưng chúng ta có cách và sẽ đi từng bước”.

Sir Ken Robinson nói thêm: “Vấn đề là nhiều phụ huynh đang giáo dục con thông qua sự sợ hãi chứ không chăm sóc nó bằng sự thoải mái của tình yêu thương”.

Về điểm này, tôi cùng chung quan điểm với ông. Nhiều phụ huynh sợ con mình thiếu cái nọ, cái kia chứ chưa thực sự có cách giáo dục thoải mái. Chỉ khi hiểu và thương sâu sắc, mình mới chấp nhận được sự khác biệt, duy nhất của con và cùng con tìm ra niềm đam mê đích thực mà không đặt lên vai chúng gánh nặng kỳ vọng. Tôi rất muốn chia sẻ điều đó với các bậc phụ huynh Việt Nam.

Thanh Bùi: Nói “trẻ con như tờ giấy trắng” là quá sai rồi, làm giáo dục phải bắt đầu từ 1 câu hỏi! - Ảnh 11.

Dồn nhiều tâm huyết như vậy, mục đích lớn nhất khi anh theo đuổi lĩnh vực này là gì thế?

Tôi muốn từ hệ thống giáo dục của mình sẽ đào tạo ra một thế hệ tinh hoa mới cho đất nước. Thay đổi và nâng cao con người Việt Nam là khát vọng của tôi.

Tinh hoa ở đây là gì? Là những em thực sự giỏi để đi ra thế giới, và giỏi ở đây không chỉ về học vấn mà toàn diện, tức là có tư duy tốt, sáng tạo, am tường nghệ thuật, thể thao, văn hóa - xã hội… có thể chất khỏe mạnh.... Đặc biệt, tinh hoa quan trọng nhất là sự cống hiến cho cộng đồng.

Giáo dục có thể làm thay đổi cuộc đời một người, giống như học bổng năm xưa đã giúp tôi đổi đời. Điều quan trọng hơn, khi cuộc đời tôi thay đổi, cuộc đời rất nhiều người xung quanh như: thế hệ con cháu của tôi, cuộc đời ba mẹ, anh chị em… tôi đều thay đổi.

Tôi cũng thường nhớ tới kỉ niệm trước khi mất, người tặng tôi học bổng đã gọi tôi đến và hỏi: “Giờ đây tôi sắp đi xa, tôi thật muốn biết bạn còn nhớ những gì tôi đã dạy?” Tôi nói: “Bác luôn dặn, nếu có cơ hội nào đó để con truyền lại điều tốt đẹp mà bác đã cho con thì con nhất định phải làm, đem nó tới càng nhiều người càng tốt. Và bác cũng nói, cuộc sống luôn thay đổi nên chúng ta phải không ngừng nỗ lực. Giống như học bổng của bác hàng năm vẫn được review lại và tiếp tục trao cho người xứng đáng”.

Điều tôi muốn nói là nếu nền giáo dục tạo ra được những con người có thực tài, có đạo đức, ý chí và họ lại có trách nhiệm với xã hội thì mới thực sự góp phần thay đổi đất nước.

Thanh Bùi: Nói “trẻ con như tờ giấy trắng” là quá sai rồi, làm giáo dục phải bắt đầu từ 1 câu hỏi! - Ảnh 12.

Anh luôn nói làm giáo dục khó và khổ. Không biết cái khó đó cụ thể là gì vậy?

Phải nói rất thật rằng nhiều khi, mình muốn làm điều gì đó một cách chân thành là không dễ. Xung quanh tôi đã có những nghi ngờ, thậm chí dèm pha. Rất may, tôi thực sự đã học được cách sống một cuộc đời thoải mái dù bên ngoài có nhiều lời xì xào. Tôi luôn nghĩ nếu mình quá quan tâm chuyện người ta nóì gì thì sẽ không thể nào sống là chính mình được.

Cái khó tiếp theo là việc tìm kiếm một đội ngũ đủ cởi mở, thích nghi, dũng cảm để đi cùng. Tiếp nữa là tìm ra sự cân bằng giữa cái đúng và việc thị trường đang ở đâu, dung hòa cả hai cái để mình đột phá ở mức vừa phải bởi vì chuyện gì cũng thế, quá khác biệt và đi quá xa thì không thể nào thành công được.

Khó như thế thì sau 10 năm khi nhìn lại, anh nghĩ mình đã làm được những gì?

10 năm qua, hệ thống của chúng tôi phát triển ổn định và điều đó nằm ở niềm tin của mọi người vào cách tôi làm giáo dục. Dù thời gian chưa dài nhưng đã có những em bước đầu thay đổi cuộc đời, ví dụ như thần đồng trống Trọng Nhân (nhận học bổng suốt 8 năm qua tại Học viện Soul (SMPAA) và trường Việt Mỹ (VAS) do Thanh Bùi mở ra) sắp qua Mỹ học ở Idyllwild Arts Academy, Interlochen Arts Academy (top 10 trường nghệ thuật hàng đầu thế giới). Hoặc như Lê Hoàng Đăng Duy là tài năng đầu tiên người Việt nhận cùng lúc học bổng tại 4 trường nghệ thuật và âm nhạc hàng đầu tại Mỹ…

Con đường làm giáo dục của tôi mới bắt đầu. 10 năm đầu tiên rất khó vì mình đang xây những viên gạch nền móng. Tôi chưa bao giờ thấy mình thành công, kể cả khi ngồi ở giải Grammy cùng BTS. Tôi nghĩ cụm từ “thành công” dễ làm mình thỏa mãn và thụt lùi. Tư duy của tôi là không bao giờ so sánh với ai hết mà chỉ so sánh với chính mình trong quá khứ xem bản thân đã phát triển hay chưa.

Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện./