Hồ tiêu xuất khẩu tăng trưởng 2 con số: Ghi dấu trên "bản đồ gia vị" thế giới

08/03/2024 04:11

Dự báo thị trường hồ tiêu toàn cầu sẽ diễn ra sôi động. Do chênh lệch mùa vụ nên giá hồ tiêu tiếp tục neo ở mức cao trong vài tháng nữa.

Đầu năm 2024 giá hồ tiêu xuất khẩu tăng

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong tháng 2/2024 đạt 18 nghìn tấn, trị giá 73 triệu USD, tăng 3,1% về lượng và tăng 5,2% về trị giá so với tháng 1/2024, nhưng so với tháng 2/2023 giảm 35,2% về lượng và giảm 12,5% về trị giá.

Cụ thể khi tính chung 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt khoảng 35 nghìn tấn, trị giá 143 triệu USD, giảm 12,3% về lượng, nhưng tăng 12,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Tháng 2/2024, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam ước đạt mức 4.082 USD/tấn, tăng 2,0% so với tháng 1/2024 và tăng mạnh 35,9% so với tháng 2/2023. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam ước đạt mức 4.041 USD/tấn, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Tháng 2/2024, giá hồ tiêu đen tại thị trường nội địa biến động theo xu hướng tăng và duy trì ở mức cao. Xu hướng tăng giá được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn do nguồn cung hạn chế.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sản lượng thu hoạch vẫn chưa được nhiều do các chủ vườn thiếu nhân công. Bên cạnh đó, nhu cầu hồ tiêu từ Trung Quốc tăng mạnh đẩy giá mặt hàng lên cao.

Ngày 28/2/2024, giá hồ tiêu đen tăng từ 10.000 – 11.000 đồng/kg so với cuối tháng 1/2024 (tùy từng khu vực khảo sát), lên mức 91.000 – 94.000 đồng/kg.

Dự báo thị trường hồ tiêu toàn cầu sẽ diễn ra sôi động. Do chênh lệch mùa vụ nên giá hồ tiêu tiếp tục neo ở mức cao trong vài tháng nữa.

Trong những nước có sản lượng hạt tiêu lớn, Brazil đã qua mùa thu hoạch, hiện Việt Nam bước vào mùa thu hoạch, trong khi chính vụ của Indonesia và Malaysia vào tháng 7 hàng năm.

Dự kiến sản lượng vụ mùa 2024 đang thu hoạch của Việt Nam giảm khoảng 10,5% so với vụ trước, xuống còn 170 ngàn tấn, ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây. Trong khi nguồn cung từ các nước Indonesia, Brazil, Malaysia, Campuchia không bù đắp đủ cho lượng giảm xuất khẩu của Việt Nam sẽ đẩy giá hồ tiêu tăng nóng ngay từ đầu vụ.

Việt Nam vẫn là quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Năm vừa qua, nước ta xuất khẩu hồ tiêu sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Philippines... Theo đó, nguồn cung mặt hàng “vàng đen” này của nước ta sẽ có tác động lớn lên thị trường toàn cầu.

Hiện, nhiều doanh nghiệp trong nước tăng mua để đảm bảo tiến độ xuất khẩu, giá hồ tiêu ngày 4/3 lên đỉnh mới 96.000 đồng/kg. Các chuyên gia nhận định, giá hồ tiêu ở trong nước vẫn sẽ neo ở mức cao, đà tăng vẫn còn.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên báo Công Thương ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai nhận định, giá hồ tiêu sẽ tiếp tục tăng lên và hoàn toàn có thể quay trở lại mốc hơn 100.000 đồng/kg trong thời gian không xa. Sản lượng hồ tiêu toàn cầu và ở Việt Nam dự báo giảm, cùng với việc nhiều nông dân không vội bán hạt tiêu ra thị trường, đang góp phần tạo sự khan hiếm cũng như giữ cho giá hồ tiêu ở mức cao.

Kinh tế vĩ mô - Hồ tiêu xuất khẩu tăng trưởng 2 con số: Ghi dấu trên 'bản đồ gia vị' thế giới

Ảnh minh họa.

Dự báo xuất khẩu hồ tiêu năm 2024 sẽ thuận lợi, giá tăng

Trước những phát triển thời gian qua dự báo xuất khẩu hồ tiêu năm 2024 sẽ thuận lợi, giá tăng do sản lượng giảm, tồn kho hiện ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên để đảm bảo bền vững, việc chuẩn bị cho những quy định mới từ EU là rất cần thiết, thông tin trên VTV.

Quy định của EU về chống phá rừng, không gây nguy hại tới rừng, trước mắt áp dụng cho 6 ngành hàng: cà phê, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cao su, sắp tới có thể sẽ áp dụng cho hồ tiêu. Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) khuyến cáo các doanh nghiệp ngành hàng hồ tiêu cần có sự chuẩn bị trước cho quy định này.

Đáng chú ý, EU sắp tới yêu cầu xuất xứ nguồn gốc vùng trồng từ kinh độ và vĩ độ, quyền phụ nữ và trẻ em, trách nhiệm giải trình của người mua tại châu Âu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước nhập khẩu hồ tiêu từ Brazil rất nhiều, nếu xét từ thời điểm truy xuất 12/2020 thì diện tích hồ tiêu của Brazil vẫn chạm tới ngưỡng phá rừng, nguy hại rừng. Vì vậy, Việt Nam cần chuẩn bị hồ sơ để hỗ trợ doanh nghiệp khai báo cho phù hợp khi có yêu cầu.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gần 270.000 tấn hạt tiêu, giá trị gần chạm mốc 1 tỷ USD.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu đen sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các thị trường xuất khẩu truyền thống gồm Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ...

Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn thứ 2 cho Trung Quốc trong năm 2023. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 32,39% trong năm 2022 lên 36,57% trong năm 2023.

Có được kết quả này là do doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang có lợi thế hơn một số nước xuất khẩu như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia… nhờ Hiệp định EVFTA, giúp giảm thuế nhập khẩu hồ tiêu xay hoặc nghiền sang EU giảm từ 4% còn 0%.

Ngoài ra, Mỹ giảm nhập tiêu từ Ấn Độ và chuyển sang hồ tiêu của Việt Nam vì có mức giá tốt và chất lượng ngày càng cao.

Ngành hồ tiêu Việt Nam cũng được đánh giá tích cực về năng lực chế biến với tỉ lệ hàng qua chế biến chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trúc Chi (t/h)